Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm
Hơn 30 ngành hàng bị làm giả, vi phạm SHTT
Theo ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Vatap, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đang là vấn nạn của toàn thế giới, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng và nền kinh tế đất nước. Theo ước tính của hiệp hội, hiện nay trong nước có trên 30 loại ngành hàng bị làm giả từ hàng tiêu dùng thông thường đến hàng cao cấp, như: mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường sữa, thuốc thú y, đồ điện tử, điện thoại, gas, xe máy các loại…làm ngân sách nhà nước bị thất thu, DN thiệt hại, người tiêu dùng bị lừa, môi trường kinh doanh và xã hội không an toàn, là trở ngại, thách thức đối với nhà nước và xã hội nước ta.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực SHTT, xâm phạm vẫn diễn biến phức tạp, diễn ra ở hầu hết các đối tượng SHTT như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, cạnh tranh…
Ông Lê Thế Bảo phản ánh hiện nay có hơn 30 ngành hàng bị làm giả
Ông Trịnh Văn Ngọc – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) trước thách thức của vấn nạn hàng giả, trong thời gian qua, Cục đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng và DN triển khai tích cực một số chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trung bình mỗi năm lực lượng xử lý hơn 100 ngàn vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Lý giải khó khăn, ông Ngọc cho rằng, trong khi các phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm quyền SHTT diễn biến ngày càng phức tạp thì lực lượng thực thi còn rất yếu về nguồn lực, cơ chế thực thi chưa được hoàn thiện dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng vẫn chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm và tiềm năng của mỗi bên, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.
Đại diện các DN, ngành hàng cũng đều phản ánh hiện nay có còn rất nhiều hạn chế từ cơ chế, chính sách thực thi đến tư duy người tiêu dùng khiến hàng giả, hàng vi phạm SHTT vẫn có “đất” sống khỏe. Theo ông Bùi Quang Chuyện – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam: Thẩm quyền xử phạt của lực lượng quản lý thị trường còn quá thấp (hiện nay mức tối đa 5 triệu đồng) không tạo ra được sự răn đe đối với các lực lượng buôn lậu. Trong khi đó, nhiều đối tượng khi bị xử phạt còn chây ì không nộp phạt khiến các lực lượng rất khó thực thi.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dây cáp điện Việt Nam phản ánh thêm, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng một số địa phương thì còn nhiều địa phương vẫn buông lỏng, chưa sát sao với vấn nạn này. Mặc dù đã có đường dây nóng để người tiêu dùng tố giác khi phát hiện hàng giả nhưng đường dây này vẫn chưa phổ biến rộng rãi khiến nhiều người tiêu dùng biết hàng giả nhưng chưa biết dường dây nóng để tố giác.
Vẫn còn nghiêm trọng
Để tiếp tục đấu tranh khắc phục có hiệu quả vấn nạn này, ông Lê Thế Bảo khẳng định, trong thời gian tới hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, DN thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, ông Bảo cũng kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách kịp thời khắc phục những kẽ hở bất cập, tăng cường chế tải xử lý mạnh đối với các loại vi phạm buôn lậu, làm hàng giả và vi phạm SHTT. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi từ trung ương tới địa phương cần tập trung triệt phá cho được các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng giả, đặc biệt là các tổ chức buôn lậu, làm hàng giả xuyên biên giới. Đối với các chính quyền địa phương nơi nào để xảy ra buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền SHTT thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm - như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vatap và Cục quản lý thị trường ký quy chế hợp tác
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho rằng, đấu tranh phòng chống nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là công việc không chỉ riêng một lực lượng hay DN nào mà là công việc quan trọng của toàn xã hội, trong đó vai trò của DN, hiệp hội ngày càng quan trong trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. “ Chỉ có DN mới hiểu rõ nhất về hàng hóa do mình sản xuất và phân phối trên thị trường. Thực tế cho thấy DN nào chủ động, tích cực trong việc xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu của mình và phối hợp với các cơ quan thực thi thì nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT sẽ giảm và được kiểm soát hiệu quả” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 khẳng định, các lực lượng chức năng cũng như hiệp hội Vatap đã có nhiều cố gắng trong việc chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, thực trạng vấn nạn này còn nhiều bất cập mà từ Quốc hội đến người tiêu dùng đang rất quan tâm.
Với 31 ngành hàng bị làm giả, Phó Thủ tướng cho rằng, mức độ làm hàng giả tại Việt Nam là rất lớn và vẫn còn nghiêm trọng. Năm 2014 và 6 tháng năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 30.500 vụ hàng giả và vi phạm SHTT, điều này đã thể hiện rõ sự nguy hại của vấn nạn này đối với xã hội, nhất là đối với các hành vi làm giả thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng chỉ đạo, các lực lượng chức năng tổ chức quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn bán sản xuất hàng giả, vi phạm SHTT và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ thương xuyên của các bộ ngành, địa phương và các DN ở cả 3 lĩnh vực: Sản xuất, vận chuyển, buôn bán. Kiên quyết không cho phép có vùng cấm trong công tác này.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ vi phạm, đặc biệt là hàng giả về lương thực, thực phẩm thuốc chữa bệnh. Tập trung điều tra, triệt phá các đường dây ổ nhóm và các đối tượng cầm đầu. "Trong thời gian tới, sẽ tổ chức đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát hàng giả đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh giả, gây nguy hại cho sức khỏe con người, đối với những đối tượng vi phạm sẽ xử lý nghiêm để tạo ra sự răn đe cho toàn xã hội” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam và Cục Quản lý thị trường cũng đã ký quy chế phối hợp trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (Sabeco): Mức xử phạt làm giả, làm nhái không đủ răn đe tội phạm Thực tế cho thấy, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã bắt và xử lý nhiều vụ buôn bán, sản xuất giả các sản phẩm bia. Ngay sản phẩm Bia Sài Gòn, tính từ năm 2014 đến nay cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý hơn 2.000 chai bia làm nhái, cùng nhiều vỏ chai giả… Việc làm giả, làm nhái bia Sài Gòn tập trung chủ yếu tại các quận trong thành phố Hồ Chí Minh, như: Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú… Tuy nhiên, hiện nay mức xử phạt áp dụng còn rất thấp, không đủ răn đe tội phạm, nhiều đối tượng đã bị xử phạt vẫn tiếp tục sản xuất bởi lợi nhuận cao hơn nhiều so với mức xử phạt. Chính vì vậy, những DN sản xuất kinh doanh như Sabeco rất cần sự hợp tác, giúp đỡ của cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, chống buôn lậu hàng giả, hàng nhái.
Ông Vũ Văn Thanh- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen: Phải minh bạch thông tin trên sản phẩm Hiện nay vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang vô cùng nhức nhối trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực tôn thép đang diễn ra phổ biến như: Sản xuất tôn giả không đủ độ dày, tuy nhiên các cơ sở sản xuất tôn giả lại nhập nhèm bằng cách tẩy xóa độ dày thực tế của sản phẩm và in lại để “nâng" độ dày sản phẩm; nhập khẩu các sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, in độ dày cao hơn thực tế lên sản phẩm, khiến người tiêu dùng thiệt hại cả về kinh tế và chất lượng sản phẩm. Trước thực trạng trên tôi cho rằng cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên và có chế tài đủ mạnh mang tính răn đe đối với các trường hợp gian lận, đồng thời có chính sách buộc DN, cửa hàng niêm yết công khai, tiêu chuẩn, chất lượng, giá bán. Đối với DN sản xuất phải có biện pháp tự vệ bằng cách minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, kênh phân phối, giá bán… Đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền về chống hàng gỉa. Điều quan trọng hơn cả là chính người tiêu dùng phải thông thái khi lựa chọn sản phẩm phải có thương hiệu, có uy tín, có hóa đơn chứng từ làm căn cứ- đó chính là cách bảo vệ tốt nhất.
Ông Lê Quang Dũng- Giám đốc Xuất khẩu Hiệp hội Mỹ phẩm Sài Gòn: Văn bản hướng dẫn chống hàng giả, hàng nhái phải được phổ biến Việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm đối với các DN còn hạn chế. Để đảm bảo sản phẩm của DN tránh bị làm giả, làm nhái, chính DN cần phải có luật sư riêng, phòng pháp chế riêng để luôn tìm ra những cơ sở, hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm của mình, từ đó có những phản ánh với cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi cho chính DN của mình. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần có thực thi sâu sát hơn và bảo đảm được quyền của các DN. Ngược lại, các văn bản, hướng dẫn chống hàng giả, hàng nhái cần phải được phổ biến tới DN một cách cụ thể để DN nắm được thông tin và phối hợp thực thi một cách hiệu quả nhất. |