Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết 2018
Tin hoạt động 09/01/2018 15:06
Ảnh minh họa |
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm này, mặt bằng thu mua giá lúa năm 2017 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có biến động tăng khoảng 200 - 400 đ/kg so với cùng kỳ năm trước và ở mức hợp lý có lợi cho bà con nông dân. Tại miền Bắc, giá thóc, gạo có những thời điểm tăng nhẹ, nhưng nhìn chung khá ổn định so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, nguồn gạo trong nước hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong dịp Tết Nguyên đán 2018.
Với mặt hàng đường, hiện đã vào vụ đường mới, dự báo giá đường trong thời gian tới có xu hướng ổn định mặc dù nhu cầu tiêu thụ đường cao để sản xuất bánh kẹo, đồ uống… phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Mặt hàng muối do ảnh hưởng của bão liên tiếp gây mưa nhiều nên sản lượng đạt thấp, nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đối với các mặt hàng thực phẩm, dự báo giá có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết, nhưng không có biến động lớn vì nguồn cung tương đối ổn định. Trong tháng 12, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước biến động tăng phổ biến trong khoảng 27.000 - 35.000 đ/kg. Dự báo vào thời điểm Tết, giá lợn có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết (theo qui luật hàng năm).
Hiện tại, thời tiết khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên giá hầu hết của các mặt hàng rau củ có xu hướng ổn định hơn tháng trước, nhiều mặt hàng bắt đầu vào vụ nên giá giảm nhẹ như bắp cải, su hào, cam… Trong thời gian tới, nếu không có biến động lớn về thời tiết thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp. Về thủy hải sản, giá cá tra thương phẩm tăng từ đầu năm và hiện ở mức 25.000 - 27.000 đ/kg (với mức giá này người nuôi lãi từ 4.000 - 6.000 đ/kg)...
Nhằm bình ổn thị trường, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y nhằm đảm bảo đủ nguồn cung, có chất lượng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Đối với ngành nông nghiệp, trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo sản xuất, tình hình sản xuất, cung ứng hàng nông sản trong quý I/2018 không có biến động lớn, đảm bảo nhu cầu dịp Tết. Tuy nhiên, có thể xảy ra thiếu cục bộ ở một số mặt hàng nhất định do ảnh hưởng của thời tiết” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo hai bộ thống nhất tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan của hai bên theo dõi tình hình sản xuất, cung cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết; đồng thời, có biện pháp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá nhất là vào cao điểm những ngày trước, trong và sau Tết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (ngồi giữa) phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao và chúc mừng Bộ NN&PTNT trong năm 2017 đã vượt khó và đạt được những kết quả khả quan trong sản xuất và xuất khẩu. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhất trí với Thứ trưởng Trần Thanh Nam về những giải pháp mà ngành nông nghiệp đã đặt ra nhằm bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2018 sắp tới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý, Bộ NN&PTNT cần thường xuyên rà soát, đánh giá số liệu thực tế các mặt hàng nông sản sao cho phù hợp với thực tiễn, để từ đó có thể đưa ra những quyết định trong điều tiết cung cầu hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất. Cùng phối hợp với Bộ Công Thương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại...