Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân. |
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của những sự kiện như TECHFEST VietNam 2015?
TECHFEST VietNam 2015 là cơ hội để những người có những ý tưởng, sản phẩm và kết quả nghiên cứu khoa học thành công giới thiệu, trình diễn những ý tưởng. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy những khả năng ứng dụng, triển vọng dành do xã hội và họ sẽ đầu tư. Ở Việt Nam, khái niệm đầu tư mạo hiểm còn rất mới. Trong khi đó, đầu tư cho khoa học là đầu tư mạo hiểm. Có thể người ta đầu tư cho 5 dự án có khi chỉ thành công được một dự án. Do đó, ở Việt Nam, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ hiện nay còn rất dè dặt. Sự dè dặt không dám đầu tư mạo hiểm nên không đem lại thành công cao.
- Như Bộ trưởng đã nói, đầu tư cho khoa học là đầu tư mạo hiểm. Vậy, theo Bộ trưởng kinh nghiệm của các nhà đầu tư đóng vai trò như thế nào trong việc tạo điều kiện cho các nhà khởi nghiệp?
TECHFEST VietNam 2015 diễn ra là dịp để đưa các nhà đầu tư quốc tế đến với những nhà sáng tạo của Việt Nam. Chúng ta có ý tưởng tốt nhưng không có nhà đầu tư thì không bao giờ có sản phẩm. Vì thế, nhân cơ hội này các nhà đầu tư sẽ đem đến những kinh nghiệm, đánh giá cho các sinh viên, nhà khoa học trẻ, thậm chí của những người làm khoa học không chuyên. Nếu dám đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro tôi tin họ sẽ thành công, bởi vì hoạt động đầu tư mạo hiểm ở các quốc gia khác làm đã thành công rồi.
Ngày hội lần này có sự liên kết giữa nguồn cung là các viện nghiên cứu, trường đại học với nguồn cầu là DN thông qua các định chế trung gian là các trường đại học, vườn ươm, nhà đầu tư và trên tất cả là môi trường pháp lý cho khởi nghiệp mà Chính phủ Việt Nam, Quốc hội Việt Nam thông qua các đạo luật, các Nghị định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho môi trường phát triển, DN khởi nghiệp.
- Qua tìm hiểu thị trường KHCN, có rất nhiều nhà đầu tư và đơn vị KHCN khởi nghiệp nhưng họ lại chưa tìm được tiếng nói chung với nhau. Vậy vai trò cầu nối của Bộ KHCN trong vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ KHCN đã khởi xướng phong trào Chợ khoa học công nghệ ở quy mô quốc gia, gần đây là quy mô quốc tế. Các nhà khoa học đến với chợ công nghệ thiết bị mang đến các sản phẩm khoa học của mình, kết quả nghiên cứu được nghiệm thu xuất sắc, thậm chí là các ý tưởng chúng tôi cũng mời tham gia, kể cả các nhà khoa học không chuyên như bà con nông dân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng có thể trình bày sáng kiến của mình. Thông qua đó, các DN tham gia chợ kỹ thuật công nghiệp tìm hiểu thấy điều gì phù hợp có triển vọng thương mại hóa sẽ phối hợp cùng với các Viện nghiên cứu, các trường đại học để hoàn thiện sản phẩm.
Bộ KHCN cũng đã trình Chính phủ Đề án phát triển Thị trường KHCN thúc đẩy phát triển cả 4 yếu tố của thị trường là nguồn cung, nguồn cầu, thị trường trung gian và môi trường pháp lý. Những sự kiện như chúng tôi tổ chức năm vừa rồi như “Sự kiện kết nối cung cầu” là một dạng kết nối giữa những người nghiên cứu và các DN. Kết nối cung cầu đã được tổ chức ở Thái Bình, Phú Yên, Hải Phòng và sắp tới là một vài địa phương nữa. Đây cũng là một sự kiện để giới khoa học và giới DN gặp nhau. Đồng thời dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình Quốc gia hỗ trợ cho DN. Trước đây có Chương trình 712 là Chương trình nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm - hàng hóa Việt Nam đến năm 2020 thông qua các hoạt động quản lý, hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sự phát triển chất lượng sản phẩm của DN.
Gần đây có Chương trình Đổi mới Công nghệ Quốc gia, là một trong 3 chương trình lớn đưa ra nhằm hỗ trợ cho các DN Việt Nam đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiến dần đến trình độ công nghệ chung của khu vực, tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng công nghệ cao.
Ngoài ra, Bộ KHCN cũng vận động các nhà tài trợ quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Phần Lan... để tìm các nguồn lực công nghệ tương đối lớn cho các DN. Khi đó, DN có nguồn lực đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thậm chí mua các sản phẩm trí tuệ, bằng sáng chế, công nghệ mới của nước ngoài để nghiên cứu, làm chủ và tạo ra các sản phẩm mới cho DN Việt Nam.
Năm 2016 sắp tới là một năm đầy thách thức bởi chúng ta sẽ trở thành thành viên chính thức của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều Hiệp định thương mại song phương, đa phương khác. Như vậy, Việt Nam đã hòa nhập với nền kinh tế thế giới. Nếu như DN Việt Nam không đổi mới công nghệ để cạnh tranh, chắc chắc sẽ đứng trước bờ vực nguy hiểm bởi lúc đó không còn hàng rào thuế quan, chúng ta phải cạnh tranh tự do, sòng phẳng với DN, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!