Không khoan nhượng với sở hữu cổ phần vượt giới hạn
Các cổ đông và nhóm cổ đông nói trên chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn - đây là một trong những biện pháp mà cơ quan quản lý sẽ áp dụng nhằm tháo gỡ sở hữu chéo được nêu trong Thông tư 06/2015/TT-NHNN được ký ban hành ngày 1-6-2015 và sẽ có hiệu lực từ ngày 15-7.
Theo thông tư, cổ đông và nhóm cổ đông nắm giữ cổ phần vượt giới hạn của một ngân hàng và ngân hàng đó phải phối hợp, lập kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất đến ngày 31-12-2015 phải giải quyết xong, đáp ứng đúng quy định pháp luật. Trong phương án khắc phục phải có các nội dung: họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ của cổ đông, nhóm cổ đông vượt giới hạn cổ phần; số lượng cổ phần nắm giữ cụ thể; số cổ phần ủy thác hoặc nhận ủy thác; đồng thời nêu rõ biện pháp và thời hạn khắc phục. Các ngân hàng không được cấp tín dụng cho các đối tượng trên. Những trường hợp đã cấp, thì không được cấp mới.
Các quy định của Thông tư 06 là một nỗ lực mới của NHNN trong việc tạo sức ép yêu cầu các ngân hàng xử lý nhanh hơn và dứt điểm sở hữu chéo. Nếu các ngân hàng không tự xử lý có kết quả, NHNN có thể sẽ đưa ra lộ trình tái cơ cấu bắt buộc cho từng tổ chức tín dụng, không loại trừ sáp nhập, hợp nhất không tự nguyện.
Tuy nhiên các quy định mới dường như chỉ có tác động đến các cổ đông cá nhân hoặc một nhóm cổ đông cá nhân, còn các cổ đông tổ chức vẫn có những giới hạn khó gỡ. Chẳng hạn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc các đoàn thể sở hữu cổ phần vượt quá quy định 15% vốn điều lệ ngân hàng như quy định tại điều 55 Luật các tổ chức tín dụng, thì không thể thoái vốn nếu không tìm được người nhận chuyển nhượng. Việc thoái vốn càng khó nếu các ngân hàng mà họ tham gia đầu tư chưa niêm yết.
Ngoài ra việc chứng minh nhóm cổ đông có liên quan trong sở hữu cổ phần của một ngân hàng cũng không dễ. Nếu một cổ đông cá nhân lớn nhờ các cổ đông khác đứng tên, mà các cổ đông này là bạn bè, không phải người thân gồm cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, cháu chắt... thì việc kê khai tên tuổi, số lượng cổ phần nắm giữ cũng không đưa đến đâu. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự nguyện tuân thủ pháp luật của mỗi cổ đông.
Cách tốt nhất hiện nay để gỡ sở hữu chéo là công khai, minh bạch danh sách các ngân hàng đang tồn tại sở hữu chéo cũng như các cổ đông và nhóm cổ đông liên quan sở hữu cổ phần vượt quy định cho phép để dư luận xã hội có thể giám sát.
Từ trước đến nay, NHNN vẫn nói rằng sở hữu chéo ở ngân hàng nào, tỷ lệ bao nhiêu cơ quan thanh tra, giám sát đều biết cả. Nhưng sức ép giải quyết sở hữu chéo từ cơ quan quản lý xem ra không mang nhiều sức nặng như sức ép của dư luận xã hội.
Cho đến nay, trên các diễn đàn Quốc hội và phương tiện truyền thông, chuyện thu chi ngân sách, vốn từng được đóng dấu mật, nay cũng đã được công khai, thậm chí thâm hụt ngân sách những khoản nào, giá trị bao nhiêu cũng được các đại biểu bàn thảo và báo chí đăng tải cho người dân biết. Vậy thì tại sao chuyện sở hữu chéo của các tổ chức tín dụng lại không?
Và một điều nữa. Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Đáng lẽ ngay sau đó với các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện điều 55 của luật (một cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ một ngân hàng; một cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng; cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ một ngân hàng) phải được thực thi sớm.
Đến nay bốn năm rưỡi sau ngày luật có hiệu lực, Thông tư 06 mới ra đời, liệu có chậm trễ quá không? Và trách nhiệm thuộc về ai? Trong thời gian này, hệ lụy của sở hữu chéo đã ảnh hưởng không nhỏ đến nợ xấu, đến việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Dẫu sao cuối cùng Thông tư 06 cũng đã được ban hành. Giờ đây là việc thực thi nghiêm túc nó và xử lý những trường hợp vi phạm một cách nghiêm khắc, công bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Có luật chưa đủ, quan trọng hơn là việc thực thi và giám sát việc tuân thủ luật.