Không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ
Điều này đã được Vụ KH&CN khẳng định tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018, diễn ra chiều ngày 31/1, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chủ trì Hội nghị |
Tích cực triển khai các nhiệm vụ
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết, năm 2017, Vụ KH&CN đã nỗ lực, phấn đấu khắc phục những khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của Bộ Công Thương và toàn ngành. Cụ thể, Vụ đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức KH&CN, các đơn vị trong và ngoài ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng, Chính phủ và của Bộ Công Thương về phát triển KH&CN. Công tác xây dựng văn bản, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cũng luôn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của Vụ nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN, chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm của ngành Công Thương.
Đồng thời, năm 2017, tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến và cải tiến tích cực trong công tác quản lý KH&CN của Bộ Công Thương với mục tiêu nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Thể hiện ở việc hoàn thiện và thống nhất đưa vào áp dụng các quy định về quản lý KH&CN cấp Bộ. Theo đó, thời gian đăng ký các nhiệm vụ KH&CN được đẩy sớm từ cuối năm trước năm kế hoạch và chia theo đợt, tăng tính chủ động cho đơn vị đề xuất lẫn đơn vị quản lý; hoàn thiện và đưa vào sử dụng thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhiệm vụ KH&CN; tiếp tục giảm dần số lượng, tăng quy mô của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, từ đó đã xuất hiện những đề tài nghiên cứu cấp Bộ có quy mô về kinh phí và sản phẩm tương đối lớn, có sự tham gia đối ứng của doanh nghiệp, đơn vị…
Đặc biệt, trong năm 2017, Vụ đã tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm cải cách một cách triệt để công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ, góp phần quan trọng vào trong các kết quả chung của Bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Theo đó đã giảm đáng kể lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra trước thông quan. Hiện nay, trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương chỉ còn 2 loại sản phẩm phải kiểm tra trước thông quan là tiền chất thuốc nổ và thực phẩm; hoàn thành việc cụ thể hóa mã HS cho các sản phẩm, hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; triệt để triển khai yêu cầu về xóa bỏ độc quyền, xã hội hóa công tác kiểm tra. Trong năm 2017, Vụ đã báo cáo và trình lãnh đạo Bộ chỉ định 11 đơn vị đủ điều kiện thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, 2 tổ chức về vật liệu nổ công nghiệp; đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Vụ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành góp ý kiến, xây dựng, kịp thời ban hành các Nghị định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số tỉnh, thành phố; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao những nỗ lực của Vụ KH&CN |
Hơn nữa, trong năm 2017, Vụ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai tích cực nhiều nhiệm vụ để đạt mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế xăng khoáng A92 như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện lộ trình phối trộn xăng sinh học và xăng truyền thống; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, làm việc trực tiếp với Sở Công Thương của nhiều tỉnh/thành phố, các doanh nghiệp để lên phương án triển khai chuẩn bị điều kiện về hạ tầng, nguồn cung cho việc áp dụng tỷ lệ phối trộn xăng sinh học. Mặt khác, tổ chức thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Vụ KH&CN đã tăng cường hợp tác quốc tế, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng báo cáo tổng thể về các tác động của cách mạng 4.0 đối với ngành Công Thương…
Phát huy hiệu quả
Năm 2018, Vụ KH&CN sẽ tập trung triển khai có hiệu quả, đảm bảo tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NĐ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, sẽ hoàn thành việc rà soát, xây dựng và trình lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch xây dựng QCVN, TCVN của ngành Công Thương giai đoạn đến 2025 bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Đề án về hàng rào kỹ thuật trong thương mại phù hợp với điều lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia để bảo vệ, phòng vệ thương mại hợp lý, thúc đẩy sản xuất; tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm và các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm trong công nghiệp chế biến.
Toàn cảnh hội nghị |
Bên cạnh đó, từng bước nâng tỷ lệ đặt hàng đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ; nâng tỷ lệ các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành Công Thương; các nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, mô hình kinh doanh hiện đại nhằm nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp; triển khai và tiếp tục đề xuất xây dựng một số dự án điểm về xây dựng mô hình nhà máy số trong các ngành sản xuất công nghiệp…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá, Vụ KH&CN đã triển khai rất nhiều nhiệm vụ trong năm qua, từ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các chương trình, đề án trong lĩnh vực KH&CN, công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN đến hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ; hoạt động quản lý an toàn thực phẩm… Các công tác này đã được Vụ KH&CN triển khai tích cực dù với khối lượng công việc lớn, đồng thời có nhiều cải tiến để công tác triển khai hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu đặt ra với chất lượng cao. Lãnh đạo Bộ đều ghi nhận nỗ lực trong thời gian qua của Vụ KH&CN.
“Để đuổi kịp các nước trên thế giới, KH&CN được khẳng định là “chìa khoá” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Vụ KH&CN của Bộ Công Thương có vai trò quan trọng khi là đầu mối tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phát triển KH&CN, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong các ngành công nghiệp và thương mại” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, trong triển khai hoạt động thời gian tới, Vụ KH&CN phải là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp công nghệ mới vào quản lý, kết nối tích hợp cơ sở dữ liệu; thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở các trường đại học; tăng cường công tác sở hữu trí tuệ trong các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, xây dựng thương hiệu cho các làng nghề; tích cực đào tạo nguồn nhân lực để có được đội ngũ cán bộ dày dặn kinh nghiệm, đủ năng lực đảm nhận các công việc được giao. Đặc biệt, phải làm rõ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ví dụ trong từng ngành, công nghiệp 4.0 là gì, các cấp độ như thế nào, triển khai ra sao, điều kiện gì để triển khai 4.0. Hay nền công nghiệp của chúng ta bắt nhịp với 4.0 thế nào, nguồn nhân lực được đào tạo để thích ứng ra sao..., để từ những nghiên cứu rất rõ ràng đó đề xuất các giải pháp...