Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng (NH) Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu đã tăng trở lại, từ mức 3,25% lên 3,49%. Thế nhưng, đây chỉ là con số báo cáo từ các NH thương mại vào tháng 1-2015. Còn tỉ lệ nợ xấu thực tế từ đầu năm 2015 đến nay tăng như thế nào vẫn chưa được công bố.
Nguy cơ tăng phi mã
Giới phân tích cho rằng con số nợ xấu thực sẽ cao hơn nhiều so với số liệu các NH báo cáo. Bởi lẽ, NH Nhà nước luôn nhìn nhận bản chất các khoản nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 là nợ xấu, trong khi các NH thương mại chưa thống kê nợ xấu ở khu vực này.
Thực tế cho thấy cách đây hơn 1 năm, căn cứ vào Quyết định 780, các NH tại TP HCM đã giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản lẽ ra phải chuyển thành nợ xấu nhằm giúp doanh nghiệp không bị trả lãi quá hạn. Cụ thể, hơn 6.250 khách hàng được giữ nguyên nhóm nợ là nhóm 2 (nợ cần chú ý) thay vì bị chuyển xuống nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) với tổng dư nợ khoảng 106.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau ngày 1-4, quy định về cơ cấu lại nợ theo hướng giữ nguyên nhóm nợ đã hết hiệu lực, các NH chỉ được phép điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, không phạt lãi suất nợ quá hạn… Đặc biệt, năm 2015, NH phải phân loại nhóm nợ theo kết quả do Trung tâm Thông tin tín dụng của NH Nhà nước (CIC) cung cấp. Ví dụ, khách hàng đang là nhóm nợ tốt tại NH A nhưng nếu CIC cung cấp thông tin họ đang vướng nợ xấu ở NH B thì NH A phải chuyển khoản nợ của khách sang nhóm nợ xấu.
Đây là yếu tố cốt lõi làm cho bức tranh nợ xấu của hệ thống NH rõ ràng hơn, tỉ lệ nợ xấu có thể tăng cao, tiếp tục gây sức ép đến kết quả kinh doanh bởi NH phải trích thêm lợi nhuận để lập dự phòng rủi ro, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm kìm hãm tỉ lệ nợ xấu trong năm nay không quá 3%, nếu không sẽ “lãnh đủ” với NH Nhà nước .
Phải trích lập dự phòng 40.000 tỷ đồng
Lãnh đạo một số NH cho biết giải pháp trước mắt là “vắt chân lên cổ” chạy tăng trưởng tín dụng vì khi dư nợ cho vay tăng, tỉ lệ nợ xấu sẽ giậm chân tại chỗ hoặc giảm xuống. Nhiều NH đã nỗ lực cho vay với lãi suất 5%-6%/năm. Kết quả, 4 tháng đầu năm 2015, tín dụng đã tăng trưởng 2,78%.
Mặt khác, các NH cũng tập trung tự xử lý nợ, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). NH Nhà nước đã ấn định con số nợ xấu từng NH phải bán cho VAMC và đến ngày 30-6, các NH phải bán được tối thiểu 75%, đến ngày 30-9 phải bán hết 100% “chỉ tiêu được giao”.
Trong khi đó, năm 2015, VAMC đề ra mục tiêu mua lại 70.000-80.000 tỷ đồng nợ xấu, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 34 cho phép VAMC phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường, tức là việc mua bán nợ xấu được VAMC thực hiện theo hướng thuận mua vừa bán thay cho phương thức mua bán trên giá trị sổ sách.
Từ đầu năm 2015 đến nay, tuy con số nợ xấu các NH bán cho VAMC chưa được công bố nhưng với gần 200.000 tỷ đồng nợ xấu mà các NH đã bán trong năm 2014 và tiếp tục bán cho tổ chức này trong năm 2015, hệ thống NH phải dùng 40.000 tỷ đồng (20% số nợ đã bán) từ lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro.
Được - mất của mua bán nợ xấu Giới phân tích nhận định cơ chế mua bán nợ xấu theo giá thị trường có ưu điểm là NH bán nợ cho VAMC sẽ có trái phiếu thế chấp cho NH Nhà nước để nhận tái cấp vốn, từ đó có một lượng vốn huy động mà lâu nay nằm chết trong nợ xấu. Thế nhưng, nhược điểm của cơ chế này là với khoản nợ có giá 10 tỷ đồng theo giá trị sổ sách nhưng VAMC mua theo thị trường chỉ 8,5 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng chênh phải đưa vào khoản lỗ của NH bán nợ. |