Công thương - Tại cuộc họp bàn cùng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn biện pháp bảo đảm cung cầu, ổn định giá bán xăng dầu từ nay đến hết quý 1/2011 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu xăng dầu còn lại, dự trữ hàng hóa đúng quy định, đồng thời có trách nhiệm kiểm soát hệ thống cửa hàng, đại lý của mình hoạt động bình thường; kiên quyết không bán hang cho các trường hợp có nhu cầu ảo.
Nếu doanh nghiệp nào vi phạm quy định, Bộ Công Thương sẽ đề nghị không được tham gia vào thị trường xăng dầu.
Trên thị trường hiện nay chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở các mặt hàng xăng, diesel và dầu hỏa trên dưới 2.000 đồng/lít, mazut khoảng 1.000 đồng/kg. Do mức lỗ kinh doanh xăng dầu lớn, diễn ra trong một thời gian dài đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tại thời điểm này các doanh nghiệp vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng xăng dầu.
Theo hầu hết các doanh nghiệp đầu mối thì nguồn dự trữ xăng dầu đều bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước. Nhưng để ổn định giá, bảo đảm nguồn cung cho đến hết quý 1/2011, các bộ quản lý cần đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực lỗ kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp.
Đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Vương Đình Dung, Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội, cho rằng tuy nguồn cung và ngoại tệ không thiếu nhưng nếu tháo gỡ khó khăn về cơ chế thanh toán, giải quyết lỗ tồn đọng của chúng tôi từ năm 2008, đảm bảo không thay đổi tỷ giá ngoại tệ khi thanh toán trả vốn vay ngân hàng, đồng thời giảm thuế nhập khẩu và ngừng trích quỹ bình ổn, doanh nghiệp đảm bảo sẽ nhập dư thừa hàng.
Cùng đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác đề nghị cơ quan chức năng cần giảm thuế nhập khẩu; Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo tỷ giá khi doanh nghiệp thanh toán vốn vay ngoại tệ cho ngân hàng (vì hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp phải vay ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, hàng đã bán rồi, nếu thay đổi tăng tỷ giá ngoại tệ thì chênh lệch giữa tỷ giá mới và tỷ giá cũ khiến doanh nghiệp lại phải chịu thêm một khoản lỗ nữa).
Tại cuộc họp, hai Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Hồ Thị Kim Thoa đều nhất trí kiến nghị tới chính phủ, các bộ ngành liên quan các biện pháp bình ổn thị trường xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu PVN chỉ đạo Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đảm bảo hoạt động của nhà máy, chạy với công suất cao nhất từ nay cho đến hết quý 1/2011.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kinh doanh xăng dầu, có trách nhiệm phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Bộ Công Thương chủ động nắm tình hình nguồn hàng, dự báo, lập kế hoạch dự phòng để có biện pháp can thiệp tích cực khi thị trường biến động. Để chống đầu cơ, găm hàng, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp về dự trữ hàng, hoạt động của các cây xăng.
Đáng chú ý là giá bán xăng dầu của Việt Nam khá thấp so với một số nước trong khu vực nên các lực lượng cần tăng cường kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và đến Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu; đồng thời để đảm bảo nguồn cung, hạn chế nhập siêu, Bộ Công Thương cũng sẽ bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu xăng dầu./.
Theo Vietnam+