Không thể giữ mãi giá điện...
Ảnh minh họa
- Giá đầu vào các sản phẩm (gồm có giá điện) và dịch vụ tăng là 1 trong 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát. Trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, GS. Phạm Duy Hiển - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia e ngại: “Tăng giá điện sẽ đẩy giá tiêu dùng tăng cao hơn, đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) sẽ rất khó khăn”.
Những năm gần đây, để kiềm chế lạm phát, ở một số thời điểm Chính phủ yêu cầu không tăng giá 4 mặt hàng công nghiệp thiết yếu, trong đó có điện, đã bị phê phán là biện pháp hành chính. Nhưng thực tế, biện pháp này ít nhiều có tác dụng hạn chế được lạm phát, dù chỉ mang tính ngắn hạn. Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua gần như chúng ta không hề điều chỉnh giá dù giá đầu vào của nhiều ngành sản xuất có biến động rất nhiều. Đó chính là quyết định ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, giải quyết vấn đề khó khăn của sản xuất và đời sống của nhân dân. Phó Thủ tướng khẳng định: “Mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ và tăng giá điện không có gì là mâu thuẫn”.
Chính phủ chủ trương thực hiện theo cơ chế giá thị trường đối với các sản phẩm, hàng hóa. Năm 2009, bước đầu thực hiện tăng một phần giá điện lên khoảng 8,92%. Đây là chủ trương nhất quán. Thứ nhất, nhằm đảm bảo cân đối đầu vào, đầu ra, giá cả phản ánh đúng giá trị. Thứ hai, để thực hiện cơ chế giá thị trường, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao ý thức tiết kiệm của nhà sản xuất, người tiêu dùng. Thứ ba, thực hiện cơ chế giá thị trường đảm bảo hiệu quả kinh tế của các DN, góp phần thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực đó.
Giá điện không tăng từ lâu đã là một nguyên nhân gián tiếp, khiến tình trạng thiếu điện càng trầm trọng, bởi nó không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh điện ở Việt Nam. Mặt khác, giá điện không tuân theo quan hệ cung - cầu đã không khuyến khích người dùng tiết kiệm điện.
Để ngành điện được hoạt động theo quy luật thị trường là một quyết định khó khăn, vì nhiều người và nhiều DN sẽ chịu ảnh hưởng. Phó Thủ tướng cho hay: “Vấn đề quan trọng là giá điện phải thu hút được nguồn vốn để tái đầu tư, bởi hiện nay chúng ta đang thiếu điện và thiếu cả vốn đầu tư. Chính phủ sẽ tùy vào tình hình của nền kinh tế để điều hành linh hoạt.
Phó Thủ tướng cũng nhận định, chắc chắn không thể giữ mãi giá điện như hiện nay, nhưng tăng giá phải chọn thời điểm thích hợp, xử lý hài hòa lợi ích chung của người dân, DN. Như vậy, vừa giải quyết được tổng thể vừa đáp ứng được yêu cầu chống lạm phát.
GS. Hiển phân tích, những năm tới, nguồn nhiên liệu hóa thạch dần cạn kiệt, thủy điện cũng đã khai thác hết và chúng ta bắt đầu phải nhập khẩu than. Tuy nhiên, giá điện của Việt Nam hiện chỉ khoảng 6 cent/kWh, các nước xung quanh giá cao gần gấp hai, còn Singapore gần gấp ba. “Thực tế, đề cập đến bất cứ vấn đề gì về năng lượng điện đều khó, nhưng trước sau gì vẫn phải tăng giá điện để thu hút đầu tư vào ngành điện, từng bước đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng tăng giá phải theo một lộ trình cụ thể, dựa trên điều kiện, khả năng của nền kinh tế và túi tiền của người dân” - GS. Hiển nói.
Hải Vân – Hoàng Châu