Cụ thể với mặt hàng dầu ăn, các doanh nghiệp cam kết sẽ tăng lượng hàng giao nhà bán lẻ. Trong cuộc họp ngày 30-12 với sở, các doanh nghiệp tham gia bình ổn dầu ăn cho biết lượng dầu trong kho còn rất dồi dào. Tuy nhiên, hiện tượng thu gom dầu ăn vẫn xảy ra tại các siêu thị, cửa hàng có bán hàng bình ổn giá. Đơn cử giá dầu ăn bình ổn 24.500 đồng/lít trong khi giá dầu ăn trên thị trường liên tục tăng mạnh 28.000-30.000 đồng/lít.
Cũng nằm trong mặt hàng có sức mua tăng cao thời gian gần đây, ông Trần Ngọc Trung - giám đốc Công ty Vinh Phát, đơn vị bình ổn mặt hàng gạo - cho biết số người mua gạo tăng mạnh chỉ rơi vào loại gạo thường giá 8.000-8.500 đồng/kg. Hiện gạo thường giá bình ổn thấp hơn giá thị trường khoảng 35% nên rất khó ngăn tình trạng tiểu thương mua hàng ra ngoài bán kiếm lời, đây là áp lực lớn với doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhân - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết số mặt hàng phi thực phẩm và thực phẩm đã chốt giá, ổn định từ nay đến tết với lượng hàng dồi dào. Ngoài nguồn cung từ phía nhà cung cấp, bản thân siêu thị cũng có sẵn số lượng hàng dự trữ.
“Siêu thị cố gắng giữ giá trong giai đoạn tết, đồng thời tăng lượng hàng để tránh hút hàng” - ông Nhân cho biết. Tuy nhiên, nhiều siêu thị cũng thừa nhận đối với những mặt hàng nhạy cảm từ trước đến nay như dầu ăn, đường, sữa... rất khó dự báo.
Theo bà Đào, trong thời điểm sức mua cao như hiện nay, doanh nghiệp phải đảm bảo đủ hàng hóa trên kệ để bất kỳ người dân nào cũng có thể mua được hàng tại những cửa hàng bình ổn. Trừ trường hợp khách có dấu hiệu mua gom như đi mua nhiều lần trong ngày hoặc mua với tần suất cao trong thời gian ngắn cùng một mặt hàng thì mới ngừng bán. Với một số mặt hàng chênh lệch giá cao, người bán có thể giới hạn số lượng mua/lần.
Vừa qua, UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND quận huyện, đơn vị quản lý thị trường, thanh tra liên ngành tăng cường kiểm tra các điểm bán, cần thiết phối hợp với lực lượng an ninh kinh tế để ngăn chặn những trường hợp mua gom, mua đi bán lại hưởng chênh lệch.
Theo Cafef