Khuyến công góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn
- Theo Chủ tịch UBND xã Hải Đường - Nguyễn Văn Tuần - khó thực hiện nhất là tiêu chí 10 và 12 (chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa và tăng thu nhập cho người dân) vì Hải Đường vốn là xã thuần nông, người dân không có nghề phụ. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, nhất là tác động tích cực của hoạt động khuyến công, hiện 2 tiêu chí này đã đạt kết quả ban đầu rất khả quan.
Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xã Hải Đường đã mở được 14 lớp dạy nghề cho 640 người. Các lớp dạy nghề tập trung vào nghề may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, thêu ren xuất khẩu, vê đay, đan bẹ chuối xuất khẩu, chăn nuôi, trồng trọt... giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập từ 700.000 – 2.000.000 đồng/người/tháng. Nổi bật trong số đó là nghề may công nghiệp với sự tham gia của Công ty CP Đầu tư Hải Đường đã tạo việc làm cho khoảng 300 lao động với thu nhập bình quân 1,8 - 1,9 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc công ty Văn Thanh Sơn tự hào giới thiệu nhanh một vài con số: tổng vốn đầu tư nhà máy khoảng 25 tỷ đồng; 1 tuần làm thủ tục xin đất và giải phóng mặt bằng, 3 tháng vừa xây dựng xưởng, vừa đào tạo nghề (tiến độ được đánh giá là nhanh nhất từ trước đến nay); sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ và các nước Đông Âu; mặc dù mới đi vào hoạt động (tháng 12/2010) nhưng dịp tết công nhân vẫn có lương thưởng đầy đủ; từ quý 2 công ty sẽ thành lập tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động; mục tiêu phấn đấu năm 2011 đạt doanh thu 36 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân 2 - 2,2 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy sự khâm phục của chúng tôi, giám đốc Sơn thủng thẳng: Công ty chỉ đóng vai trò “bà đỡ”, việc chắp mối, kết duyên, tư vấn đưa nghề mới về xã, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất là công của Trung tâm Khuyến công 1 (IPC1). Trung tâm không chỉ chắp mối cho công ty về xã mà còn tìm địa điểm, giáo viên dạy nghề, cử cán bộ tham gia công tác quản lý và hỗ trợ kinh phí đào tạo (trong tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng/khóa 300 người thì nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ là 270 triệu đồng). Có thể nói, IPC1 đã rất thành công trong vai trò xâu chuỗi mối liên kết 4 nhà: địa phương – nhà khuyến công – nhà doanh nghiệp – người lao động.
Nói về hành trình chắp mối đưa nghề về địa phương, Giám đốc IPC1 Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Ban đầu, trung tâm phải xuống địa phương tìm hiểu điều kiện kinh tế, nhân lực, thăm dò ý kiến từng hộ dân xem họ muốn học và làm nghề gì. Sau khi khảo sát phân tích, nhận thấy việc phát triển nghề may ở đây là thuận lợi nhất, trung tâm mở “chiến dịch” tìm kiếm kêu gọi doanh nghiệp, tư vấn cho địa phương lựa chọn mặt bằng xây dựng xưởng may. Đồng thời phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong xã tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Chỉ sau 2 tuần học nghề, học viên đã có thể làm ra sản phẩm và được hưởng công lao động. Công ty CP đầu tư Hải Đường tham gia hỗ trợ đào tạo, cam kết tạo việc làm cho học viên sau khi học nghề. Ngược lại, học viên cũng phải đảm bảo đủ những điều kiện, kỹ năng tay nghề sau khóa học để làm việc tại công ty.
Ông Tuần khẳng định: Việc đưa nghề may công nghiệp về Hải Đường là thắng lợi lớn mở đầu cho chương trình chuyển đổi cơ cấu lao động theo chủ trương “ly nông không ly hương”. Trong thành công này, công tác khuyến công đóng vai trò rất quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi nhận thức của người dân. Nếu năm 2007, số hộ nghèo toàn xã là 11,5%, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2009, số hộ nghèo giảm xuống còn 6%, thu nhập tăng lên 7,5 triệu đồng/người/năm; năm 2010, thu nhập bình quân đã tăng lên 11 triệu đồng và chắc chắn năm 2011 sẽ tăng hơn nữa.
Bài và ảnh: Ngọc Loan