Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công Chủ tịch UBND và HĐND tỉnh Thái Bình đạt 100% số phiếu tín nhiệm cao |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, chiều 14/12, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ ngành Trung ương và Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Bình năm 2014 đã ban hành Quyết định số 14 để triển khai các hoạt động khuyến công, đến năm 2020 Ủy ban tỉnh cũng ban hành Quyết định số 11 để thay thế Quyết định năm 2014 phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Theo ông Hưng, hằng năm UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện công việc phổ biến hướng dẫn công tác khuyến công bằng nhiều hình thức phù hợp như: Hội thảo, hội nghị tập huấn, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến các hoạt động khuyến công để các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiểu được chủ trương của Nhà nước, cũng như khuyến kích hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. UBND tỉnh cũng đã ban hành chương trình phát triển Ngành Công Thương đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Công tác xây dựng phê duyệt tổ chức thực hiện chương trình khuyến công địa phương được tiến hành phù hợp với thực tiễn địa phương.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Cấn Dũng |
Đồng thời, thực hiện các chương trình khuyến công quốc gia theo đúng quy định. Sở Công Thương đã tham mưu chỉ đạo trung tâm khuyến công tư vấn phát triển để triển khai các đề án hỗ trợ khuyến công và thường xuyên đánh giá hoạt động khuyến công trên địa bàn nhằm chấn chỉnh và phát huy hiệu quả.
Trong giai đoạn 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã tổ chức thực hiện 466 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí thực hiện là 382 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ khoảng 19 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đã bỏ ra khoảng 55 tỷ đồng để hỗ trợ cho 412 chương trình. "Quan trọng nhất với kinh phí từ ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương như vậy tỉnh đã huy động được các cơ sở công nghiệp, nhất là công nghiệp nông thôn đối ứng để thực hiện đổi mới các công nghệ cũng như các hoạt động khuyến công đối với doanh nghiệp khoảng 310 tỷ đồng" - ông Hưng thông tin.
Những năm qua, công tác khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã tích cực góp phần phân công lại lao động xã hội khu vực nông thôn, đưa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về nông thôn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoạt động khuyến công đã góp phần huy động các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo mục tiêu, định hướng của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công đã giúp cơ sở công nghiệp nông thôn có được hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thông qua hoạt động khuyến công, nhận thức của cấp Ủy chính quyền các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí của hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao.
Tỉnh Thái Bình đã kết hợp các nguồn lực để sử dụng hiệu quả nguồn khuyến công, trong đó, tỉnh đã phối kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tay nghề của người lao động.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng và các đại biểu tham quan gian trưng bày bên ngoài Hội nghị - Ảnh: Cấn Dũng |
Để công tác khuyến công tiếp tục phát huy hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 45 tốt hơn nữa, trong thời tới tỉnh Thái Bình kiến nghị với Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung, trong đó, thường xuyên rà soát xây dựng, bổ sung sửa đổi để hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực khuyến công, tăng cường hơn nữa số lượng các chương trình, đề án từ nguồn khuyến công quốc gia nhằm tạo tác động lớn trong phát triển công nghiệp nông thôn. Nội dung Nghị định 45 về khuyến công rất rộng, để thực hiện hiệu quả cần có các cơ chế chính sách, nguồn lực tháo gỡ giữa phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề công nghiệp, đặc biệt, kết hợp xử lý môi trường ở các làng nghề.
Ông Nguyễn Quang Hưng cũng đồng tình với ý kiến về việc thúc đẩy hỗ trợ trong hoạt động khuyến công, nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn để tạo ra hoạt động thương mại điện tử, quảng bá các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cần có những hỗ trợ tốt hơn nữa; cần có nguồn kinh phí, nguồn lực để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số.