CôngThương - Xin ông cho biết thực trạng các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế?
-Thừa Thiên-Huế hiện có 88 làng nghề trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới với khoảng 32 nghề và nhóm nghề. Toàn tỉnh hiện có 21 nghệ nhân cấp tỉnh, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Văn Sính (đúc đồng) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Một số làng nghề và ngành nghề truyền thống đã được bảo tồn như gốm Phước Tích, tranh ảnh làng Sình, ... một số làng nghề đã được khôi phục và phát triển khá như: đúc đồng (phường Đúc), mộc mỹ nghệ (Mỹ Xuyên, Xước Dũ), nước nắm Phú Thuận, đệm bàng Phò Trạch, hoa giấy Thanh Tiên, nón Thủy Thanh, Mỹ Lam, dệt Zèng A Roàng, A Đớt, ...
Để giúp các làng nghề tồn tại và phát triển hoạt động khuyến công đã có những hỗ trợ gì?
Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công trong giai đoạn 2005- 2010 là gần 6 tỷ đồng, qua thực hiện chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định như: đào tạo và giải quyết việc làm cho gần 3.600 lao động nông thôn; trên 560 cơ sở và cán bộ quản lý được tập huấn về chính sách khuyến công, môi trường trong làng nghề, an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến thủy hải sản; tạo điều kiện cho hơn 200 lượt cở sở sản xuất tiếp cận thị trường qua các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ 19 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đầu tư đổi mới máy móc thiết bị; có 13 cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp được quy họach chi tiết và 9 cụm đã có đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích đang sử dụng trên 100 ha. Đồng thời hàng năm, nguồn ngân sách các huyện và thị xã bố trí cho chương trình khuyến công trung bình 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy chương trình và phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh còn được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, hoạt động khuyến công quốc gia trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh từ khi Chính phủ có Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012. Tổng kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho các đề án triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007-2010 là trên 1,5 tỷ đồng. Các đề án khuyến công quốc gia tập trung chủ yếu vào chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề (đã đào tạo và giải quyết việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động nông thôn); hỗ trợ các địa phương lập 4 quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Năm 2011 đã có 4 đề án triển khai trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với kinh phí gần 1,1 tỷ đồng ( 2 đề án đào tạo nghề cho 940 lao động và 2 mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm mới).
Đối với các ngành nghề sản xuất các đặc sản truyền thống Huế, hoạt động khuyến công đã tập trung hỗ trợ một số nội dung chính sau:
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất: Thông qua hoạt động này đã kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất các đặc sản truyền thống đổi mới công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất trên cơ sở công nghệ truyền thống nhằm nâng cao được chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất và nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số sản phẩm truyền thống đã phát triển thương hiệu như: nắm sò (Phú Lộc); nước nắm Phú Thuận (Phú Vang), Công ty TNHH Tam Giang (Quảng Điền), doanh nghiệp tư nhân Đảnh Vân (Phong Điền); trà Hibicus (Cty CP Thanh tân)... Một số sản phẩm không những khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước, có mặt tại các siêu thị mà còn xuất khẩu đi một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Lào, Hoa Kỳ...
Hỗ trợ các cơ sở cải tiến mẫu mã sản phẩm, đăng ký chất lượng và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhất là đối với các sản phẩm đặc sản truyền thống nói riêng và chế biến thực phẩm nói chung nhằm khẳng định và nâng cao lòng tin đối với người tiêu dùng như mè xửng Thiên Hương; các sản phẩm nước nắm như Thành Vân, Tam Giang, Đảnh Vân...
Hỗ trợ tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, tham gia hội chợ , triển lãm và xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế, (Hội chợ Thái Lan, Lào, Trung Quốc...).
Thông qua chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công, các ngành nghề truyền thống nói chung và các sản phẩm đặc sản Huế nói riêng sẽ có nhiều bước phát triển mới góp phần phát huy giá trị văn hóa và bản sắc xứ Huế phục vụ du khách và xuất khẩu.
Xin cám ơn ông!