Nhiều khách sạn hạng "sao" ở Đà Nẵng đồng loạt giảm giá để "hút" khách
CôngThương - Giảm giá- cứu cánh lớn nhất
Chào hè 2012, Công ty Lữ hành Vietravel rầm rộ với chùm tour giảm giá 45%. Đây là chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhất. Vietrantour cũng vừa công bố bảng giá 10 chương trình du lịch thiết kế đặc biệt cho hè 2012 gây “sốc”: Tour nội có giá cao nhất chỉ là 7.590.000 đồng, rẻ hơn đến gần một nửa so với đợt nghỉ lễ 30/4-1/5. Mức giảm này không liên quan đến giảm số sao của khách sạn và chất lượng dịch vụ theo cam kết của nhà điều hành tour. Saigontourist vẫn giữ nguyên các chương trình giảm giá cũ như chùm tour tiết kiệm giảm tới 38% tung ra hồi đầu tháng 3/2012 và giảm đồng loạt 30-40% các hành trình tour từ hai đầu Hà Nội - Sài Gòn đi bằng đường hàng không.
Bà Hồ Kim Dung - Phó giám đốc Kênh du lịch Việt - cho biết, lý do của việc giảm giá sâu hiện nay của các công ty lữ hành một phần là do giá khách sạn giảm. Ngoài khách sạn ở biển giá vẫn giữ nguyên, hầu hết khách sạn tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đều giảm giá mạnh, như: Khách sạn 3 sao “xịn” giá 28 USD, khách sạn 3 sao “trung bình”, giá 25 USD. Bên cạnh đó, giá tour giảm bởi hàng không đang có chính sách giảm giá hấp dẫn tới 40% đối với khách đoàn trên 10 người cho các công ty lữ hành thành viên Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh.
Hiện nay, nguồn khách đang giảm rất lớn trước khó khăn của kinh tế toàn cầu. Các DN trong nước hầu như cắt du lịch của nhân viên, nhiều DN cho đi gần, hoặc cho nhân viên tiền và tự túc xoay sở. Bởi vậy, nhiều DN du lịch nhỏ rơi vào tình trạng không có khách. Nếu không có khách, DN lữ hành sẽ lao đao. Theo bà Dung, giảm giá tour chính là cứu cánh lớn nhất cho du lịch nội địa vào thời điểm này.
Coi trọng chất lượng
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty lữ hành Vietravel - cho hay, trong bối cảnh khó khăn, Vietravel giảm giá nhưng không giảm dịch vụ mà ngược lại, tăng cường nhiều điểm đến mới trong các tour truyền thống, mở thêm các tuyến mới.
Lý giải về các yếu tố tác động đến giá tour giảm, ông Nguyễn Minh Mẫn nhận xét, hàng không là một trong những phương tiện được du khách quan tâm do tiết kiệm thời gian, tiện nghi, chi phí chênh lệch không nhiều so với phương tiện tàu hỏa. “Việc hàng không giảm giá đã tạo nên lực đẩy cho các tuyến nội địa hiện nay. Khách hàng sẽ được lợi nhiều hơn khi đi tour chất lượng cao và giá thành giảm” - ông Mẫn nói.
Thực tế, nếu các hãng lữ hành chỉ trông chờ vào “ông lớn” hàng không giảm giá thì hiệu quả không thể lâu bền. Bởi cùng mức giá đó, tại sao nhiều du khách trong nước vẫn bỏ tiền ra để đi nước ngoài du lịch. Điều đó thể hiện giá không phải vấn đề duy nhất, vấn đề nằm ở chất lượng dịch vụ và cách khai thác tour. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Ở Thái Lan, do điều hành liên kết tốt giữa các ngành, lợi nhuận thu về từ việc mua sắm, chi tiêu của khách du lịch sẽ được điều tiết lại cho các ngành, nên du lịch nước họ phát triển hàng đầu khu vực. Hiện chúng ta đang thiếu cơ chế đối với việc điều hòa lợi ích giữa các ngành, nên việc giảm giá kích cầu của từng ngành là không thường xuyên, hiệu quả. Vì thế, phải thay đổi tư duy về phục vụ khách du lịch nội địa thật tốt”.
Ngoài việc dựa vào đối tác cung cấp dịch vụ, các công ty lữ hành đang đưa ra các giải pháp phù hợp, đồng thời vẫn duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, để tạo dựng lòng tin đối với đối tác cũng như khách hàng truyền thống. Ông Lê Quang Đạo - Phó giám đốc Công ty Lữ hành Tầm Nhìn Việt - khẳng định, Tầm Nhìn Việt chủ trương bán giá các tour trong và ngoài nước cho người Việt gần như không giảm giá dựa trên giá dịch vụ mà các đối tác cung cấp, bởi DN đặt chất lượng tour lên hàng đầu, không vì cố gắng giảm giá lấy khách để rồi giảm đi chất lượng của dịch vụ.
Do đặc điểm giao thông đường bộ chưa phát triển, nên du lịch nội địa luôn phụ thuộc lớn vào hàng không. Việc liên kết giữa hàng không và du lịch cần có cú đột phá lớn, mang tính chiến lược chứ không chỉ dừng lại ở những hợp tác thời vụ. Hàng không cần có những chính sách giá ổn định hơn, bởi nếu chỉ liên tục tăng giá rồi giảm mạnh để khuyến mãi, sau đó lại tăng giá nhảy vọt sẽ gây “sốc” tâm lý cho khách hàng và ảnh hưởng tới doanh thu của các DN lữ hành.