Nóng với thị trường thực phẩm Tết
Thời điểm từ nay đến Tết, hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm mất vệ sinh an toàn thường được tung ra thị trường và trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội nhận định, một lượng sản phẩm hàng hóa, thực phẩm cực lớn được chuyển về Hà Nội từ các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh. Cùng với đó rất nhiều hàng nông, thủy sản, gia súc, gia cầm khác được chuyển về thủ đô từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, nên việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm thực phẩm này rất khó khăn. Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia thực phẩm cần cảnh giác với một số hóa chất thường được dùng để bảo quản khá phổ biến như hàn the, thậm chí cả chất chống thối bảo quản gà không nằm trong danh mục 247 chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép lưu hành. Đây là chất bị cấm sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm.
Cũng theo báo cáo của Chi cục Thú y Hà Nội, thời gian qua, chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 11.474 lượt cơ sở, trong đó xử lý 1.205 trường hợp vi phạm trong kinh doanh giết mổ, vệ sinh thú y; tiêu hủy 5 con lợn, 945kg gia cầm, 2.602kg sản phẩm động vật các loại, 2.274 quả trứng, 163 đơn vị thuốc thú y các loại… So với thực tế, con số này là quá nhỏ.
Theo GS.TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), hiện có khoảng 70 - 80% thực phẩm từ động vật từng sử dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi nên có nguy cơ nhiễm kháng sinh. Đó còn chưa tính đến dư lượng hóa chất trong nông nghiệp, hormon tăng trưởng, phụ gia cấm và các chất độc tự nhiên trong thực phẩm liên quan tới ATVSTP.
Kiểm soát chặt từ khâu sản xuất đến lưu thông
Để tăng cường kiểm soát chặt ATVSTP dịp Tết, từ ngày 15/12/2014 đến 30/3/2015, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại tất cả các cấp từ tỉnh đến quận/huyện, xã/phường.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra về ATVSTP trên cả nước sẽ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, với mục tiêu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm dịp Tết Ất Mùi và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm trước.
Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Mùi và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh mứt kẹo…
Các đoàn trung ương và tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. nBộ Công Thương tăng cường triển khai các biện pháp ATVSTP để quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát và sữa chế biến; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kiểm soát ATVSTP đối với các làng nghề, bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng; xây dựng, triển khai các mô hình điểm kiểm soát ATVSTP tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm.