Cần sớm có hành lang pháp lý để kiểm soát bitcoin |
Bitcoin vẫn “sốt”
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - theo thống kê của công ty môi giới, số lượng người mở tài khoản tăng nhanh, kèm theo đó là sự tăng giá của tiền điện tử đến 4 lần trong 3 tháng. Hiện tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo đạt khoảng 180 tỷ USD, riêng bitcoin chiếm gần 80 tỷ USD và giá đã tăng hơn 200% trong năm 2017.
Mặc dù không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam và không được xem là hàng hóa hay dịch vụ trong giao dịch điện tử, thế nhưng, giao dịch tiền ảo vẫn rất sôi động. Doanh nghiệp quản lý sàn giao dịch bitcoin đầu tiên tại Việt Nam cho biết, mỗi năm tăng trưởng đến 2 con số về lượng người dùng, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày lên đến hàng nghìn USD.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền ảo hiện vẫn còn khá xa lạ với nhiều người Việt Nam. Chẳng hạn, với bitcoin, để sử dụng, người dùng phải tạo một ví lưu trữ, các thao tác phải thực hiện trên máy tính. Đối với những người không rành về công nghệ sẽ khó có thể tự làm các thao tác này và có nguy cơ bị lừa đảo. Vì tính ẩn danh của bitcoin và tiền ảo nói chung, không bị ai kiểm soát, tội phạm có thể sử dụng đồng tiền này như một phương thức giao dịch. Hacker có thể tìm cách tấn công nhiều sàn tiền ảo để đánh cắp số lượng lớn và nạn rửa tiền có thể xảy ra một cách dễ dàng.
Hoàn thiện nhanh khung pháp lý
Trước những diễn biến phức tạp của tiền ảo, các chuyên gia cảnh báo, giá trị của các loại tiền ảo, nhất là bitcoin, đang bị “thổi phồng” và có thể gây ra những hệ lụy khôn lường. Đặc biệt, tại Việt Nam, những biến tướng “đa cấp” của tiền ảo càng khiến cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng khẳng định, trong khi kinh doanh tiền ảo và công nghệ phát triển blockchain là hai câu chuyện khác nhau. Phát triển công nghệ blcokchain cần được khuyến khích thì kinh doanh tạo ra tiền ảo để đầu cơ cần phải được kiểm soát tránh tình trạng đa cấp, đổ vỡ.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị BASICO - cho rằng, không nên đi theo hướng xây dựng luật bao quanh để kiểm soát bitcoin mà trước tiên, các tổ chức cần phải ngồi lại với nhau để định nghĩa rõ ràng bitcoin là gì từ đó mới có thể đưa vào một luật cụ thể để kiểm soát. Nếu bitcoin là tiền thì sẽ dựa theo quy định về tiền để soát xét, nếu là công cụ tài chính thì sẽ theo luật tài chính. Việc cần làm là quản lý theo định nghĩa mà không phải tạo ra luật mới để kiểm soát.
Nhưng thực tế, với đà này, tiền ảo sẽ có chỗ đứng tại Việt Nam, vì vậy, rất cần công cụ quản lý của nhà nước, tránh hệ lụy sẽ khó lường.
TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế - nhấn mạnh, để quản lý cần có khung pháp lý rõ ràng, xác định rõ khái niệm về tiền ảo và có biện pháp quản lý, tránh hiện tượng mặt trái như sử dụng đầu cơ, chuyển tiền bất hợp pháp. Bên cạnh đó, cần thông tin rộng rãi về sự rủi ro trong kinh doanh tiền ảo, cũng như không nên khuyến khích giao dịch tiền điện tử và càng không nên cho phép giao dịch có tổ chức.
TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính: Thị trường bitcoin đang gây ảnh hưởng rất lớn, cần nhanh chóng rút ngắn thời gian ban hành khung pháp lý. Nếu không, mỗi cơ quan, ban, ngành có cách hiểu và xử lý khác nhau sẽ tạo “kẽ hở” cho các đối tượng lợi dụng. |