Siết chặt kiểm soát tiền chất công nghiệp Tăng cường quản lý và kiểm soát tiền chất công nghiệp |
Nitrous oxide - “bóng cười” nguy hiểm như thế nào?
Trong thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh thành trong nước xuất hiện tình trạng sử dụng “bóng cười” (tên tiếng Anh là Funky ball hay Hippy Crack) thực chất là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O).
N2O là chất không màu, không mùi, có vị ngọt nhẹ, được dùng phổ biến trong y học, nhất là trong nha khoa, có tác dụng giảm đau, sử dụng để gây tê khi phẫu thuật, tuy nhiên, liều lượng và cách pha chế phải được kiểm soát chặt chẽ để không gây nguy hại đối với sức khỏe, tính mạng bệnh nhân. Đáng chú ý, “bóng cười” là quả bóng bay có chứa khí N2O, là hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Nếu sử dụng tùy tiện, quá liều lượng hay trong thời gian dài sẽ gây nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe cho người sử dụng như: ngạt thở, thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, mất nhận thức, tê liệt các chi, ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch, hệ thần kinh, dễ dẫn tới trầm cảm, có nguy cơ tử vong. Đặc biệt, nếu lạm dụng khí N2O lâu ngày sẽ dễ dẫn đến việc sử dụng ma túy để tạo cảm giác mạnh hơn.
Có một thực tế, thời gian qua, bóng cười đang trở thành cơn sốt trong giới trẻ, những người thường xuyên lui tới các quán bar, vũ trường. Khi hít một lượng nhỏ N2O, khí đi sâu vào trong phổi, dần dần thấm vào máu rồi đi lên não, tác động đến hệ thần kinh. Các phản ứng của bộ não sẽ khiến cho người hít khí cười ngặt nghẽo cả tiếng đồng hồ không dứt.
Các chuyên gia cảnh báo, mặc dù N2O được sử dụng trong lĩnh vực y tế nhưng việc sử dụng vào mục đích giải trí hoặc lạm dụng chất này có thể làm giảm lượng oxy trong não, dẫn đến mất tri giác, thậm chí gây tổn hại cho não bộ và bộ phận trong cơ thể. Việc tiếp xúc với N2O gây suy giảm nhất thời chức năng thần kinh, khả năng nghe nhìn, và thường xuyên sử dụng một lượng đáng kể N2O có thể dẫn đến tổn hại thần kinh. Lạm dụng N2O có thể gây thiếu oxy dẫn đến giảm huyết áp, ngất, thậm chí bị đột quỵ. Do những nguy cơ về sức khỏe do N2O gây ra, các cơ quan chức năng khuyến cáo không nên sử dụng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Hơn nữa, các loại “bóng cười” không rõ nguồn gốc xuất xứ, các chất chứa trong đó ngoài N2O chưa xác định có chất nào khác hay không, chưa được kiểm soát đầy đủ. Để đánh giá đúng mức độ, tác hại của “khí cười” hay “bóng cười” đối với sức khỏe và gây nghiện đối với con người cần có sự khảo sát, điều tra, nghiên cứu, kết luận của các cơ quan chức năng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Để tăng cường phòng, chống tác hại của việc sử dụng “bóng cười”, nâng cao hiệu quả công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng “khí N2O” trái pháp luật, góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự, cần tuyên truyền rộng rãi về tác hại của loại “khí cười” hay “bóng cười” đối với sức khỏe con người, nhất là trong thanh, thiếu niên. Cần khuyến cáo mọi người không sử dụng loại khí này sai mục đích, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống ma tuý, mại dâm tại Công văn số 1477/VPCP-KGVX ngày 9/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm, mới đây Bộ Công Thương đã có Công văn số 2850/BCT-HC gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất công nghiệp và hóa chất N2O về việc kiểm soát chặt hàng hàng này.
Cụ thể, công văn yêu cầu các Sở Công Thương tập trung tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất công nghiệp trên địa bàn các quy định về quản lý tiền chất công nghiệp thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao kỹ năng quản lý tiền chất công nghiệp, tránh thất thoát vào sản xuất ma túy. Tuyên truyền, phổ biến về mặt trái của hóa chất N2O cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng, cất giữ hóa chất N2O.
Trên cơ sở đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất công nghiệp, hóa chất N2O của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh bán lẻ tiền chất tại các chợ hóa chất. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đấu tranh ngăn chặn việc mua, bán, sử dụng tiền chất công nghiệp, hóa chất N2O trái pháp luật; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ tiền chất công nghiệp và hóa chất N2O cần tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ tiền chất công nghiệp. Đồng thời thực hiện chế độ báo cáo 6 tháng và báo cáo hàng năm theo quy định về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ tiền chất công nghiệp.
Ngoài ra, công văn cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất công nghiệp và hóa chất N2O tuyệt đối tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế nói chung, hóa chất N2O nói riêng, đặc biệt các quy định về kiểm soát hóa chất hạn chế của Luật Hóa chất, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
Bên cạnh đó, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ, danh sách mua bán hóa chất N2O.
Các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên về Cục Hóa chất - Bộ Công Thương trước ngày 30/11/2021 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |