Đáng chú ý, điểm mới đặc biệt liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Luật BVMT sửa đổi, đó là giấy phép môi trường. Theo đó, sẽ tích hợp các loại giấy phép môi trường thành một loại. Điều này giúp giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm cũng như tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, quy định cũng đảm bảo tiếp cận tổng hợp về việc cấp giấy phép xả thải môi trường.
Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường |
Nhằm đáp ứng yêu cầu về BVMT, trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý vấn đề tại các "điểm nóng" về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoáng sản, luyện kim... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công nghệ, thiết bị trong công nghiệp được đầu tư qua các giai đoạn, cần thay đổi, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về BVMT. Bên cạnh đó, công tác BVMT tại các cụm công nghiệp cũng là vấn đề còn nhiều hạn chế, bất cập tại địa phương.
Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Quản lý cụm công nghiệp (CCN)- Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) - cho biết, để tiếp tục đầu tư phát triển CCN hiệu quả, bền vững, một số giải pháp về quản lý môi trường đối với CCN được đề xuất như: Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường CCN; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường tại các CCN, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với CCN, sát thực tế. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, khuyến khích, động viên đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các CCN. Ngoài ra, tăng cường phổ biến, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý CCN, nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong CCN; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại các CCN.
Trước thực trạng trên, Kế hoạch BVMT ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2025 hướng đến mục tổng quát: Hoàn thiện hệ thống pháp luật BVMT ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, đặc biệt tập trung vào một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường… hướng tới xây dựng, phát triển và đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
Doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. |