Các quan chức FED cảnh báo: Lạm phát chưa ổn định để hạ lãi suất Ba kịch bản lạm phát năm 2024 |
Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản lạm phát cả năm 2024 trong khoảng từ 3,8%-4,5%, nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên bình quân 6 tháng đầu năm 2024 lạm phát đã ở mức trên 4%. Vậy liệu lạm phát cả năm 2024 có đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra hay không?. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, bà nhận định ra sao về mức tăng trên?
Bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê |
Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay từ 4-4,5%. Đồng thời, lạm phát 6 tháng đầu năm cũng đang theo xu hướng của kịch bản giá Tổng cục Thống kê đã xây dựng từ đầu năm. Như vậy, để đạt mức mục tiêu lạm phát 4,5% của cả năm 2024 thì dư địa cho bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê dự báo có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, với kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát.
Do đó, Tổng cục Thống kê đánh giá khả năng thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay 4,5% là khả thi.
Để đạt mức mục tiêu lạm phát 4,5% của cả năm 2024 thì dư địa cho bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9% so với cùng kỳ năm trước |
Cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ ngày 1/7/2024, nhiều ý kiến lo ngại giá cả các mặt hàng sẽ tăng theo lương và tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?
Tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%. Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng.
Việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Tuy nhiên, nếu như trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.
Tuy nhiên, hiện tượng giá cả nhiều mặt hàng tăng khi lương tăng vẫn xảy ra, để hạn chế tác động tăng giá theo lương, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp kiểm soát lạm phát, bao gồm: Các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, để hạn chế tăng giá cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.
Đặc biệt, cần tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương 1/7/2024, dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5% dù được đánh giá khả thi nhưng vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Vậy để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm, theo bà, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào?
Để kiểm soát lạm phát những tháng còn lại của năm 2024, theo tôi trước hết chúng ta cần chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến của các xung đột, căng thẳng địa chính trị để kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ ở trong nước.
Cùng với đó, phải đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, đối với việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do nhà nước quản lý, không nên điều chỉnh nhiều loại giá cùng một thời điểm, không nên dồn vào cuối năm, là thời điểm nhu cầu tiêu dùng cao vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025.
Ngoài thực hiện tốt những giải pháp trên, để kiểm soát lạm phát 4,5% trong năm 2024, theo tôi Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Xin cảm ơn bà!