Kiểm soát mức tăng giá, ngăn chặn dịch cúm gia cầm
Tăng cường phối hợp điều hành mức tăng giá trong lĩnh vực y tế |
CPI 2 tháng đầu năm ổn định
Do nhu cầu tiêu thụ sau Tết giảm nên nhiều mặt hàng tiêu dùng chủ lực như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc… đã có mức giảm đáng kể trong tháng 2. Báo cáo tại phiên họp, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Tháng 2/2017, thị trường hàng hóa khá sôi động với các hoạt động phục vụ lễ hội sau Tết Nguyên đán. Hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt, giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào nên giá giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2016.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 2/2017 đạt 309.284 tỷ đồng, giảm 6,49% so với tháng trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia đình và du lịch với mức giảm từ 8,11 - 11,19%. Nguyên nhân, sau Tết Nguyên đán nhu cầu các mặt hàng này trở lại bình thường nên tiêu thụ giảm nhiều, các nhóm còn lại giảm từ 0,1 - 7%.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 2 tháng đầu năm đạt 604.043 tỷ đồng, tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, bán lẻ hàng hóa vẫn đạt mức tăng khá (9,37%) với sự đóng góp của nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc… đều tăng gần 10%, các nhóm còn lại chỉ tăng từ 5-7%.
Riêng về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mặc dù chưa có số liệu chính thức, tuy nhiên, theo đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), CPI tháng 2 sẽ tăng thấp hơn tháng 1, từ 0,2-0,3%. Dự báo trong thời gian tới, thị trường hàng hóa thiết yếu sẽ chịu tác động từ việc giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang có xu hướng tăng. Lộ trình điều chỉnh giá của một số hàng hóa dịch vụ do nhà nước quản lý tương đối ổn định nên thị trường các mặt hàng nhìn chung không biến động lớn.
Kiểm soát chặt dịch cúm gia cầm
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: Dư địa cho việc giữ CPI ở mức 4% như nhiệm vụ Quốc hội giao năm 2017 rất khó khăn. Để thực hiện được, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành quản lý mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý giá cần có sự phối hợp chặt chẽ, kiểm soát mức tăng và lựa chọn thời điểm tăng phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất mức tác động vào CPI bình quân chung.
Đặc biệt, hiện nay dịch cúm gia cầm H7N9 trên người đang bùng phát và diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, tỷ lệ ca mắc và tử vong đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Việt Nam, thời điểm sau Tết Nguyên đán, nông dân thường tập trung cho việc tái đàn và phát triển chăn nuôi trở lại, đây cũng là thời điểm chuyển mùa, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Do vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương… khuyến cáo người chăn nuôi căn cứ vào nhu cầu thị trường, tránh tái đàn ồ ạt hoặc treo chuồng diện rộng ảnh hưởng đến nguồn cung lâu dài cho thị trường. Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cần có các biện pháp mạnh mẽ kiểm soát gia cầm nhập lậu nhằm tránh dịch bệnh lây lan tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - Tổ trưởng Tổ điều hành thị trường trong nước: Thời gian tới, đề nghị Tổng cục Thống kê, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp điều hành mức tăng giá trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho phù hợp. |