Kiểm soát phát thải thủy ngân ngành nhiệt điện than và kinh nghiệm từ Nhật Bản
Hội thảo do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu EXRI (Nhật Bản) và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức.
Hội thảo cũng nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về Quản lý phát thải thủy ngân ngành nhiệt điện than Việt Nam.
Bảo vệ môi trường ngành nhiệt điện than là nhiệm vụ trọng tâm
Bảo vệ môi trường ngành nhiệt điện than là trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương |
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, Bộ Công Thương Việt Nam đang hướng tới một nền sản xuất giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Ngày 08 tháng 09 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025, trong đó đã đưa nội dung bảo vệ môi trường ngành nhiệt điện than là trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, hài hòa giữa phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa hai nước, với sự tài trợ của Bộ Môi trường - Nhật Bản, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp đã phối hợp với nhóm đối tác Nhật Bản, đại diện là Viện nghiên cứu Exri về Quản lý phát thải Thủy ngân ngành nhiệt điện than triển khai nhiều hoạt động, bao gồm kiểm kê phát thải thủy ngân tại một số nhà máy nhiệt điện than Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của hai nước về xây dựng chính sách, công nghệ kiểm soát và giám sát phát thải thủy ngân…
Tại hội thảo “Chính sách và công nghệ kiểm soát phát thải thủy ngân ngành nhiệt điện than Việt Nam”, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm về xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn phát thải thủy ngân, công nghệ hiện có để kiểm soát phát thải thủy ngân của Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các nhà máy nhiệt điện cũng như cơ quan quản lý Việt Nam trao đổi thông tin về bảo vệ môi trường trong ngành nhiệt điện than trong bối cảnh có nhiều thay đổi về quy định pháp luật và hệ thống tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam.
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, hiện cả nước có 33 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Tổng công suất lắp đặt thực tế 27.264 MW. Một số nhà máy nhiệt điện than đã vận hành trong nhiều năm như nhà máy nhiệt điện Phả Lại1, Ninh Bình; Một số nhà máy nhiệt điện than công suất nhỏ như Cao Ngạn, Nông Sơn, Na Dương, An Khánh. Nhiều nhà máy nhiệt điện than hiện đại, công suất lớn đi vào hoạt động thời gian gần đây như Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Vân Phong 1…
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang) là một trong những nhà máy nhiệt điện than hiện đại, công suất lớn được khánh thành tháng 7/2022 |
Hiện Việt Nam đã và đang thực hiện công tác kiểm soát phát thải thủy ngân ngành nhiệt điện than. Cụ thể như: Dự án “Giảm phát thải thủy ngân từ hoạt động đốt than trong ngành năng lượng Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng năm và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) triển khai trong năm 2015 - 2016. Dự án đã khảo sát và lấy mẫu tại 08 mỏ than khu vực phía bắc, đưa ra hàm lượng thủy ngân trung bình trong than nguyên liệu; Lấy mẫu và phân tích hàm lượng thủy ngân trong than, tro bay, xỉ đáy, khí thải (pha hơi) tại 3 nhà máy nhiệt điện; tính toán phát thải thủy ngân cho 26 nhà máy nhiệt điện than theo phương pháp của UNEP.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp cũng đang phối hợp với Viện nghiên cứu EXRI, dưới sự tài trợ của Bộ Môi trường Nhật Bản để triển khai Dự án kiểm kê phát thải thủy ngân trong ngành nhiệt điện than. Dự án sẽ lựa chọn, điều tra khảo sát và lấy mẫu theo loại hình công nghệ, than nguyên liệu đầu vào của các nhà máy nhiệt điện than; Tính toán cân bằng thủy ngân trong quá trình đốt tại nhà máy.
Từ thực tế Dự án này, nhóm làm dự án cũng đưa ra ý kiến trao đổi tại hội thảo, đó là cần có một chương trình kiểm kê phát thải thủy ngân đầy đủ để xác định hàm lượng, nồng độ thủy ngân, hệ số phát thải theo than nguyên liệu và công nghệ, khả năng đáp ứng theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) mới về thủy ngân.
Kinh nghiệm kiểm soát phát thải thủy ngân đến từ Nhật Bản
Tại hội thảo, ông Osamu SAKAMOTO - đại diện Viện nghiên cứu EXRI (Nhật Bản) đã chia sẻ những kinh nghiệm kiểm soát phát thải thủy ngân tại Nhật Bản.
Ông Osamu SAKAMOTO cho biết, đáng chú ý nhất trong công tác kiểm soát phát thải thủy ngân tại Nhật Bản là nước này đã tiến hành sửa đổi Luật APCA (Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí).
Vào tháng 11/2015, Chính phủ Nhật Bản đã Sửa đổi Pháp lệnh Nội các để thi hành Luật APCA (trong đó nêu rõ các cơ sở phát thải thủy ngân chỉ định đặc biệt là đối tượng của Công ước Minamata).
Tiếp đó đến tháng 02/2016, Nhật Bản chấp nhận Công ước Minamata về thủy ngân. Tháng 08/2017 Công ước Minamata về thủy ngân có hiệu lực.
Các nguyên tắc về thực thi được quy định rõ tại Luật này. Nhật Bản đã kết hợp hợp lý các giải pháp kiểm soát phát thải thủy ngân và nỗ lực tự nguyện của các cơ sở kinh doanh để thực thi các giải pháp chính sách hạn chế phát thải thủy ngân ra môi trường không khí để kiểm soát phát thải thủy ngân hiệu quả, đảm bảo thực thi chính xác và hiệu quả Công ước.
Bộ Môi trường Nhật Bản cũng ban hành các Nghị định quy định các tiêu chuẩn phát thải thủy ngân theo loại hình và quy mô của từng cơ sở, đưa ra giới hạn nồng độ thủy ngân phát thải vào môi trường không khí cho các cơ sở phát thải thủy ngân trên cơ sở cân nhắc tới trình độ kỹ thuật cũng như năng lực tài chính của các cơ sở đó để giảm phát thải tối đa.
Cá nhân nào có ý định xây dựng hoặc thay đổi kết cấu của một công trình phát thải thủy ngân đều phải nộp báo cáo trước lên Thống đốc của địa phương.
Thống đốc địa phương có thể yêu cầu cá nhân đó thay đổi hoặc hủy quy hoạch trong vòng 60 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông báo nêu trên.
Các cơ sở phát thải thủy ngân đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải thủy ngân. Khi một cơ sở không tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, Thống đốc có thể kêu gọi cơ sở đó thực hiện các giải pháp thích hợp để cắt giảm phát thải thủy ngân và chỉ định thời hạn nhất định.
Trong Luật cũng quy định rõ về việc đo lường nồng độ thủy ngân. Cụ thể, mỗi cơ sở phải đo lường nồng độ thủy ngân và lưu hồ sơ kết quả theo quy định tại Nghị định của Bộ Môi trường Nhật Bản.
Nhật Bản cũng đề cao nỗ lực tự nguyện của các cơ sở trong việc kiểm soát phát thải thủy ngân. Cụ thể, cơ sở phát thải một lượng thủy ngân đáng kể và thuộc đối tượng cần kiểm soát phát thải theo quy định tại Pháp lệnh Nội các phải thiết lập tiêu chuẩn phát thải tự nguyện (của riêng cơ sở đó hoặc liên kết với các cơ sở khác); Đo lường nồng độ thủy ngân và lưu hồ sơ kết quả đó, đồng thời, thực hiện các giải pháp cần thiết để kiểm soát phát thải thủy ngân ra môi trường không khí và công khai tình trạng cũng như kết quả đánh giá công tác thực hiện các giải pháp đó.
Tại Nhật Bản, việc kiểm soát phát thải thủy ngân được quy trách nhiệm cụ thể tới địa phương. Chính quyền địa phương nỗ lực để cung cấp thông tin cần thiết nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp cắt giảm phát thải thủy ngân, đồng thời nỗ lực phổ biến kiến thức về các giải pháp kiểm soát phát thải thủy ngân.
Thống đốc có thể yêu cầu cơ sở phát thải thủy ngân báo cáo tình trạng phát thải thủy ngân và chỉ đạo các chuyên viên đến cơ sở kiểm tra. Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản có thể yêu cầu báo cáo và chỉ đạo chuyên viên kiểm tra tại cơ sở trong trường hợp khẩn cấp.
Công ước Minamata về thủy ngân Công ước Minamata về thủy ngân làm một công cụ pháp lý toàn cầu về thủy ngân được thông qua tại Minamata - Nhật Bản vào tháng 10 năm 2013. Công ước hướng tới kiểm soát và giảm thiểu sử dụng và phát thải thủy ngân từ các sản phẩm, các quá trình sản xuất, chế biến và các ngành công nghiệp. Đến nay đã có 181 quốc gia tham gia Công ước. Sau nhiều bước chuẩn bị và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1811/QĐ-TTg ngày 04/10/2013, Bộ Công Thương đã tham dự Hội nghị đại diện quốc gia tại Nhật Bản vào tháng 10/2013 và thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Công ước Minamata về thủy ngân. Nội dung chính của Công ước Minamate về thủy ngân là đưa ra quy định kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, vận chuyển, sử dụng, lưu trữ và thải bỏ thủy ngân nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường do phát thải nhân sinh của thủy ngân và các hợp chất thủy ngân. Các quốc gia thành viên sau khi ký kết sẽ có lộ trình đến giai đoạn năm 2020 - 2025 để thực thi các quy định của Công ước. |