Kiểm toán trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục: Còn dự án không đảm bảo tiến độ đề ra
Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2021 của các đơn vị: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông; và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 tại: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung báo cáo tình hình thực hiện pháp luật về ngân sách nhà nước năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Kiểm toán nhà nước cũng đã thực hiện kiểm toán Chuyên đề công tác lập, phân bổ vốn đầu tư chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về kết quả kiểm toán cho thấy, cơ bản các bộ, ngành đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao đối với các lĩnh vực giáo dục đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo; thanh niên, trẻ em.
Cụ thể, đối với chi thường xuyên, các đơn vị đã ban hành một số văn bản để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp.
Trên cơ sở nguồn thu thuộc lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành đã cân đối giao dự toán chi thường xuyên, phân bổ các nguồn kinh phí sự nghiệp về cơ bản bảo đảm quy định nhà nước.
Về cơ bản, các đơn vị đã chấp hành theo quy chế chi tiêu nội bộ; công tác chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí tại các đơn vị trực thuộc bảo đảm theo quy định nhà nước.
Với chi đầu tư phát triển, cơ bản việc lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; công tác điều hòa, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025; công tác quản lý, thực hiện đầu tư đã được tổ chức trên cơ sở các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật về các lĩnh vực trên trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như với Quỹ Hỗ trợ, phát triển du lịch, đến ngày 19/1/2023, quỹ mới được cấp vốn điều lệ của năm 2022. Đến hết ngày 16/3 vẫn chưa thực hiện được việc lập, trình phê duyệt kế hoạch quản lý, sử dụng và chưa lựa chọn được ngân hàng để gửi 150 tỷ đồng vốn điều lệ mặc dù Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt danh sách 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhận tiền gửi vốn điều lệ và kinh phí nhàn rỗi của quỹ.
Như vậy, mặc dù đã hoàn thành đúng tiến độ các thủ tục cần thiết nhưng việc phân bổ vốn cho các dự án không đáp ứng được chủ trương giải ngân một phần chương trình trong năm 2022 và không đảm bảo tiến độ đề ra theo chủ trương đầu tư được duyệt.
Sau khi nghe báo cáo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá báo cáo của Kiểm toán nhà nước cung cấp thông tin khá đầy đủ, hữu ích để Ủy ban làm việc với các đơn vị trong thời gian tới, cũng như có thêm thông tin để thực hiện hoạt động giám sát trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; đồng thời tập trung trao đổi làm rõ một số vấn đề như: Quản lý tài chính, tài sản công; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho giáo dục, văn hóa; thực hiện cơ chế tự chủ với các đơn vị…