Lực lượng chức năng tỉnh Long An tiêu hủy phân bón giả |
Theo ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao- cần quy định rõ ràng về điều kiện sản xuất phân bón. Chỉ khi “đầu vào” của sản xuất phân bón được siết chặt mới có thể quản lý được mặt hàng này.
Tại khâu tiêu thụ phân bón, ông Cao Hoài Dương- Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - nhấn mạnh: Ngoài việc siết chặt khâu “đầu vào”
(điều kiện sản xuất), khâu “đầu ra” cũng rất quan trọng. Do đó, phải làm chặt khâu hậu kiểm để lập lại trật tự trong kinh doanh phân bón. Ở đây, cần sự vào cuộc đồng bộ, kiên quyết của lực lượng: Công an, quản lý thị trường, thanh tra các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Dương cũng kiến nghị: Nhà nước bổ sung điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón. Khi sản xuất mặt hàng phân bón mới, doanh nghiệp phải tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật cho bà con bởi thực tế, kiến thức của bà con về phân bón còn hạn chế. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp hãy thể hiện trách nhiệm trong việc trang bị kiến thức tối thiểu, giúp nông dân tự bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có Công văn số 920/CV-10 ngày 19/10/2015 trình Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nền sản xuất phân bón theo hướng sửa đổi Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Trong công văn này, hiệp hội thẳng thắn chỉ rõ một số bất cập hiện nay. Trước hết, tại Nghị định 202, dù hiệu lực chưa lâu nhưng trong quá trình thực thi đã phát sinh vướng mắc, cần sửa đổi. Cụ thể: Nghị định này quy định những cơ sở sản xuất phân bón không có phòng thí nghiệm phải thuê phòng thí nghiệm được chỉ định. Điều này vô hình trung tạo thành kẽ hở cho doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng “lách luật” bằng việc “mua” kết quả thí nghiệm. Do đó, cần bổ sung quy định: Doanh nghiệp có phòng thí nghiệm mới được xây dựng nhà máy sản xuất phân bón.
Một điểm mới mà Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị nhằm nâng cao trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý phân bón là: Phân cấp trách nhiệm cụ thể tới địa phương. Địa phương nào để xảy ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng nhiều thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, với mặt hàng phân bón, quy trách nhiệm tới tận cấp xã, cấp huyện. Có như vậy, khi có vụ việc về phân bón giả xảy ra, mới quy được trách nhiệm và có đầu mối xử lý.
Cả nước hiện có 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón với 6.000 loại phân bón khác nhau. Do có quá nhiều loại phân bón lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc quản lý chất lượng rất khó khăn. |
TIN LIÊN QUAN | |