Kiều hối "chảy" mạnh vào sản xuất kinh doanh
Trong những năm gần đây nguồn kiều hối đã được đầu tư mạnh vào sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2003- 2013, tổng số kiều hối gửi về trong nước theo kênh chính thức là hơn 70 tỷ USD. Nguồn kiều hối gửi về nước tăng dần qua các năm, nhìn chung năm sau cao hơn năm trước. Năm 2013 đạt khoảng 11 tỷ USD (cả kênh chính thức hoặc trực tiếp mang về) và năm 2014 con số này đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước đó. Việt Nam hiện là một trong số 10 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất.
Về quy mô, theo đánh giá mới đây của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1991 - 2013 đạt trên 80,38 tỷ USD và tính thêm 12 tỷ USD kiều hối về Việt Nam trong năm 2014, tổng lượng kiều hối đã nhận trong 14 năm vượt hơn 90 tỷ USD, tương đương gần 8% GDP cả nước. Đây là dòng vốn lớn thứ 2 sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lớn hơn vốn viện trợ phát triển (ODA).
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, kiều hối được coi là một nguồn vốn để phát triển kinh tế đất nước, đóng vai trò quan trọng trong bình ổn kinh tế vĩ mô, cân bằng thâm hụt cán cân thanh toán, tạo dự trữ quốc gia, tăng đầu tư, ổn định nợ nước ngoài.... Kiều hối góp phần thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tư nhân, tạo công ăn việc làm cho xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Bên cạnh đó với sự thông thoáng về chính sách của Nhà nước trong việc thu hút nguồn kiều hối như bãi bỏ nhiều quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả bằng ngoại tệ, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về hoặc bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, thông thoáng trong việc về thăm quê hương, mua nhà ở, đầu tư trong nước... đã góp phần thu hút mạnh mẽ nguồn kiều hối. Bên cạnh đó, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng tăng lên do hàng năm có thêm hàng trăm nghìn người Việt ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình… Đặc biệt lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên đến 500.000 người, có thu nhập ổn định… cũng góp phần làm tăng lượng kiều hối chuyển về nước.
Từ phía các ngân hàng cũng cho rằng với dịch vụ ngân hàng thuận tiện hơn, các công ty kiều hối cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mạng lưới rộng, công nghệ kiều hối hiện đại cho phép xử lý giao dịch kiều hối tập trung với mức độ tự động cao. Từng ngân hàng thương mại cũng đã có những chính sách riêng để thu hút lượng kiều hối thông qua các chương trình tặng quà, khuyến mãi.
Nếu như nhiều năm trước đây, kiều hối chủ yếu tập trung vào kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm thì trong vòng 2 năm qua, lượng kiều hối đã chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh. Hiện có khoảng 2.000 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được các kiều bào đăng ký đầu tư, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy sự đóng góp tích cực của kiều bào trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM năm 2014, trong hơn 5 tỷ USD kiều hối chuyển về TP.HCM có đến hơn 72% đi vào sản xuất kinh doanh, hơn 20% vào kênh bất động sản và 7% - 8% hỗ trợ người thân trong gia đình giải quyết khó khăn và mua sắm tiêu dùng… |