Kinh nghiệm Thụy Điển về phát triển bền vững và các khuyến nghị đối với Việt Nam
Tham dự sự kiện còn có Giám đốc dự án quốc tế, Viện Khí tượng Thủy văn Thụy Điển Phil Granham; Quyền giám đốc về quản trị nước, Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) Birgitta Liss lymer và Giám đốc Trung tâm châu Á, Viện Môi trường Stockholm Niall O’ Connor.
Toàn cảnh buổi sự kiện tại Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam |
Sự kiện do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng (VCEJ) tổ chức.
Buổi trao đổi diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trong giai đoạn chuyển tiếp, hướng đến phát triển nền kinh tế đồng thời đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên bền vững, không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Theo đó, việc giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Theo Đại sứ đặc trách về Biến đối Khí hậu toàn cầu Thụy Điển Lars Ronnas, kể từ giữa những năm 1990, Thụy Điển là một trong số ít các nước công nghiệp hóa đã quản lý một cách khá tuyệt đối và duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải carbon: kết quả tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục tăng lên cùng với mức phát thải giảm đi. Mức phát thải khí nhà kính của Thụy Điển nằm ở mức thấp nhất trong EU và OECD, tính theo đầu người.
Tại cuộc trao đổi, các diễn giả chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc giải quyết vấn đề môi truờng. Theo đó, từ năm 1995, quốc gia Bắc Âu này đã trở thành một trong những nước đầu tiên đánh thuế carbon, áp dụng với các nhiên liệu có hàm lượng carbon cao như dầu mỏ và khí tự nhiên. Quyết sách này đã giúp Thụy Điển giảm phần lớn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chính sách này thể hiện tính hiệu quả và là công cụ ít tốn kém nhất góp phần giảm khí thải CO2.
Về hợp tác của các doanh nghiệp giữa Việt Nam và Thụy Điển, với thế mạnh và chuyên môn của Thụy Điển trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp Thụy Điển sẵn sàng đổi mới sáng tạo và có những định hướng phù hợp với Việt Nam trong quá trình phát triển xanh. Và đây không chỉ mang tính chất ngoại giao mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp có những đột phá và đưa ra các mô hình mới. Thụy Điển mong muốn hoàn tất quá trình đàm phán với Việt Nam để có cơ hội hợp tác mới với các đối tác tại đây. Trước hết là thảo luận ở cấp các cơ quan Chính phủ, sau đó là hợp tác với các doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi, Thụy Điển mong muốn biến các dự án xây dựng thủy điện ở Việt Nam thành các dự án bền vững hơn.