Kinh tế các tỉnh, thành phố phía Nam: Phục hồi sau cú "sốc" Covid-19
Vượt qua giai đoạn đầy thách thức
Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tỉnh phía Nam hầu hết đều phải tạm ngưng để thực hiện công tác chống dịch. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các địa phương đều bị tăng trưởng âm. Điển hình như trong tháng 7/2021, chỉ số sản xuất (IIP) của TP. Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%. Bước sang tháng 8, mức độ giảm sâu hơn, trong đó Đồng Tháp giảm 59,1%, TP. Hồ Chí Minh giảm 49,2%, Bến Tre giảm 60,1%...
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang phục hồi |
Tuy vậy kể từ khi các địa phương phía Nam chuyển qua giai đoạn “bình thường mới” vào đầu tháng 10/2021, tăng trưởng kinh tế đã có chuyển biến tích cực. Đơn cử với TP. Hồ Chí Minh, trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động - cho thấy, thành phố đã bắt nhịp. Dù tính chung cả năm tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố có thể âm 6,78% song ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, kinh tế thành phố vẫn có nhiều điểm sáng như: Tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 370.483 tỷ đồng (đạt 101,3% so với dự toán năm); một số ngành, lĩnh vực vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; hoạt động tín dụng, ngân hàng tăng trưởng ổn định...
Còn với tỉnh Bình Dương, kết thúc năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,62%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% và kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5% so với năm trước. Còn với Đồng Nai, tuy là một trong bốn địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng trong năm 2021 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, GRDP của Đồng Nai tăng 2,29%, thu ngân sách vượt chỉ tiêu.
Những con số nói trên cho thấy, tình hình kinh tế của các địa phương đã và đang dần phục hồi trở lại sau giai đoạn đầy khó khăn thách thức. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cũng ghi nhận sự thích ứng nhanh, an toàn hơn với tình hình mới. “Qua đợt dịch này, các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp. Đây là tín hiệu hy vọng rằng khi trở lại làm việc an toàn, sống chung với dịch thì khối doanh nghiệp sản xuất với hàng trăm ngàn lao động trong KCN-KCX cùng hàng triệu lao động ngoài KCN-KCX, đã chuẩn bị tâm thế kỹ và vững vàng mặc dù đã có những mất mát và thiệt hại lớn” - ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch chia sẻ khi nhìn lại năm 2021.
Giữ vững niềm tin
Vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách nhất, tới nay các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp phía Nam đang vững niềm tin vào sự phục hồi tốt hơn trong năm 2022. Từ đó, mỗi địa phương đều đưa ra những chỉ tiêu khả quan hơn. Chẳng hạn với TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2022 đề ra 19 chỉ tiêu cụ thể, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 6-6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Còn với tỉnh Bình Dương, năm 2022, cùng với việc tích cực lấy lại đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%...
Đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dù vẫn còn đang tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng mới của dịch bệnh song cộng đồng doanh nghiệp khẳng định tin tưởng vào chính sách của Chính phủ và đặt mục tiêu khả quan cho năm 2022. “Tín hiệu của thị trường xuất khẩu trong năm 2022 rất khả quan cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ đang tạo đà cho chúng tôi phục hồi tốt hơn. Riêng với công ty tôi, đơn hàng cho năm 2022 đã có gần 50.000 tấn, giá xuất khẩu cũng cao hơn so với mặt bằng chung vài chục đô la Mỹ/tấn” - ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An phấn khởi nói.
Tuy vậy, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định rằng, yếu tố ảnh hưởng từ đại dịch còn rất lớn, bởi chưa ai dự báo được đại dịch sẽ đi đến đâu, bao giờ thì hết, nên rủi ro tiềm ẩn vẫn nhiều, dù Việt Nam đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh. Ông Thành cho rằng, trong bối cảnh thích ứng mới có nhiều thay đổi và biến động vì vậy trong đầu tư, kinh doanh các doanh nghiệp cần phải tăng tính linh hoạt để nắm bắt cơ hội, bắt kịp tốc độ hồi phục thế giới và các xu hướng mới của thị trường; tăng cường tốc độ kết nối dựa trên nền tảng số hóa; chú trọng đến nguồn vốn xã hội (phát triển theo hướng bền vững, nhân văn…); đầu tư tư xanh, đầu tư thông minh.
Hiểu những thuận lợi, khó khăn trên chặng đường phía trước, các địa phương phía Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chiến lược chuyển đổi số trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý xã hội để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt coi việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý xã hội, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân - doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của các sở, ngành, địa phương trong năm 2022.