Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam |
Gần 40 năm – chặng đường của đổi mới và hội nhập
Sau gần 40 năm tiến hành đổi mới, hiện nay Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 430 tỷ USD năm 2023 (thời điểm bắt đầu đổi mới là 4 tỷ USD). |
Theo đó, Việt Nam tích cực chung tay xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận. Đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản... Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác, trải rộng khắp các châu lục.
Việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao. Giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%; giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%; GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức 6,8%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% đến 7% của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Mặc dù các năm 2020, 2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn tăng trưởng lần lượt là 2,91% và 2,58%, là một trong số rất ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. Năm 2022, tăng trưởng GDP là 8,02% và năm 2023 là 5,05%, trong so sánh với tăng trưởng trung bình toàn cầu tương ứng hai năm đó là 3,4% và 2,9%. (Báo cáo triển vọng thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) năm 2023).
Sau gần 40 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới, lên hơn 430 tỷ USD năm 2023. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh. Năm 1990, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 2,4 tỷ USD, năm 2000 là 14,5 tỷ USD, năm 2010 là 72,2 tỷ USD, năm 2022 là 371,85 tỷ USD; năm 2023 là 354,7 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2024, ước đạt 226,98 tỷ USD.
Đáng chú ý, năm 2022, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới, vượt mốc 730 tỷ USD (Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế).
Quy mô thị trường trong nước liên tục tăng. Tính chung trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của thương mại bán lẻ luôn cao từ 2 - 3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ.
Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Một số sản phẩm của Việt Nam bước đầu khẳng định thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện. Chỉ số về trình độ phát triển của thị trường Việt Nam tăng 12 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 22. Các nhóm chỉ số về thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường tăng từ vị trí thứ 49 lên vị trí thứ 15; chỉ số đa dạng hóa các ngành trong nước xếp thứ hạng 9/134 nước.
Thị trường tài chính, tiền tệ phát triển khá mạnh và sôi động. Bên cạnh kênh huy động vốn từ ngân hàng, thị trường chứng khoán đã hình thành, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Tỷ giá đồng tiền, giá ngoại tệ, giá vàng cơ bản giữ được ổn định.
Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 40 - 43% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước
Quan hệ kinh tế đối ngoại đã có bước phát triển nhanh, thúc đẩy các hoạt động xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp cho nền kinh tế từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh.
Theo số liệu của Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/6/2024, cả nước có 40.544 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, đóng góp khoảng 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm hơn 40% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và khoảng 30% tổng thu cho ngân sách quốc gia.
Sự hình thành và phát triển hệ thống thị trường đã từng bước tạo ra nền tảng quan trọng cho nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường.
Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB), trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt gần 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người. Đây là con số rất cao so với mức khoảng 100 USD/đầu người khi Việt Nam mới mở cửa nền kinh tế (năm 1988) và khoảng hơn 1.000 USD khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam rất nhanh, vượt tốc độ ở nhiều nước khu vực, trong đó có Thái Lan, Philippines…
Theo phân loại mới, tính từ 1/7/2023-1/7/2024, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia được chia thành 4 nhóm: Các quốc gia có thu nhập bình quân dưới 1.135 USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp; các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 1.136 - 4.465 USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp; các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 4.466 - 13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Các quốc gia có thu nhập bình quân trên 13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập cao.
Tính tới năm 2023, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người, thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Còn theo phân loại tính từ 1/7/2024 trở đi, nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao có thu nhập bình quân đầu người từ 4.516 - 14.005 USD/người.
Với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2024 giả sử đạt mức 6,5% và dân số tăng thêm không nhiều, mỗi người dân Việt Nam sẽ có thêm hơn 280 USD, đủ để lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao với tiêu chí có 4.516 - 14.005 USD/người theo phân loại tính từ 1/7/2024.
Có thể thấy, hiện nay, Việt Nam vẫn là nước thu nhập trung bình thấp. Song cơ hội để Việt Nam bước vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao đang đến rất gần.
WB đánh giá, những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Nhờ có nền tảng vững chắc, WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt 5,5% vào năm 2024, tăng từ mức 5% vào năm 2023, nhờ nhu cầu toàn cầu tăng và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được khôi phục. Tăng trưởng GDP dự kiến sẽ phục hồi trong ba năm tới, đạt mức trung bình trước đại dịch vào năm 2026.
Công nhận quy chế thị trường - Kỳ vọng tiềm năng tươi đẹp của tương lai hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ
Hiện nay, Việt Nam cũng đang chờ đợi Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trao đổi với phóng viên Vuasanca , PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Trường đại học Kinh tế quốc dân – cho rằng, xét theo tất cả các tiêu chí mà phía Hoa Kỳ đưa ra để xác định một nền kinh tế thị trường thì có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã vận hành theo kinh tế thị trường và việc công nhận quy chế này đáng lẽ cần được Hoa Kỳ tiến hành sớm hơn theo đề xuất của Việt Nam trước đây.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cho hay, việc Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ tăng vị thế của Việt Nam, đồng thời mang lại lợi ích song phương cho cả hai nước. |
“Việc Hoa Kỳ quyết định chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam là phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và nỗ lực của gần 40 năm đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho hay.
Phân tích kỹ hơn về các tiêu chí của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đã đạt được, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho biết, theo Đạo luật thuế quan Hoa kỳ năm 1930 và các lần sửa đổi, trạng thái kinh tế phi thị trường chủ yếu áp dụng đối với các nước xã hội chủ nghĩa với 6 tiêu chí: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; mức độ thương lượng tiền lương giữa người chủ và lao động; mức độ tự do đối với đầu tư của doanh nghiệp FDI; mức độ sở hữu hoặc phương pháp sản xuất của doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước; mức độ kiểm soát của Chính phủ đối với mạng lưới phân phối, giá cả và sản lượng; các yếu tố thích hợp khác do cơ quan quyền lực Hoa Kỳ cân nhắc xem xét.
Nếu xem xét theo các tiêu chí này, tính từ thời điểm Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa kỳ có hiệu lực từ năm 2001, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc.
Đồng tiền Việt Nam (VND) được duy trì tỷ giá phù hợp với tỷ giá thị trường. Đồng thời, VND có thể chuyển đổi sang đồng tiền của các nước, nhất là các đồng tiền tự do chuyển đổi toàn cầu như USD và Euro.
Trước đó, theo khảo sát của nhà chức trách tiền tệ Hoa Kỳ, Việt Nam không có hành vi thao túng tiền tệ. Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Điều này là sự minh chứng khách quan về bản chất đồng VND phù hợp với giao dịch thị trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã quyết liệt xử lý các tiêu cực trên thị trường trái phiếu, làm tăng tính minh bạch của thị trường trái phiếu, loai bỏ tình trạng thao túng thị trường và đã có các quy định phòng, chống rửa tiền.
Về tiền lương lao động, Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu vùng để bảo vệ người lao động cũng như các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Hơn nữa, việc cải cách tiền lương và mức lương mới được nâng lên từ ngày 1/7/2024 góp phần điều chỉnh thị trường lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế từ nước thu nhập trung bình thấp (năm 2010) đến nước có thu nhập trung bình cao (năm 2030).
Vai trò tổ chức công đoàn trong thương lượng được phát huy theo các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định EVFTA, CPTPP từ đó làm tăng tính minh bạch và hoàn thiện thị trường lao động.
Về đất đai, Việt Nam đã sửa Luật Đất đai theo cơ chế thị trường, bảo đảm giá đất sát thị trường và bản chất thị trường của sở hữu toàn dân về đất đai được minh bạch hóa.
Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước cũng đang vận hành theo nguyên tắc thị trường, tiếp cận bình đẳng nguồn lực với doanh nghiệp tư nhân và tư nhân được hợp tác chiến lược với Nhà nước trong mô hình hợp tác công tư.
Kinh tế tư nhân Việt Nam được khuyến khích phát triển. Sự vận hành của doanh nghiệp nhà nước được minh bạch hóa, tham nhũng được đấu tranh quyết liệt làm tăng tính minh bạch và công bằng của thị trường.
Về mạng lưới phân phối, giá cả và sản lượng hàng hóa đều hầu như do thị trường điều tiết cả về xăng dầu và thuốc chữa bệnh.
Việt Nam bảo đảm sự tự do cao nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2020, Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới và dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Việt Nam còn cam kết thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, càng khẳng định sự minh bạch và tự do ngày càng cao của môi trường đầu tư với sự hỗ trợ cao nhất có thể.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, nếu Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đây sẽ là một bước tiến mới làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai quốc gia. Điều này sẽ làm thay đổi lớn về vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khác xa so với khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, gây ra nhiều trở ngại và rào cản trong các mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như thu hút đầu tư. Đồng thời, mở ra tiềm năng tươi đẹp của tương lai hợp tác giữa hai nước, từ đó mang lại lợi ích song phương cho cả hai nước.
6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 54,3 tỷ USD, tăng 22,1%; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 2,8%; xuất siêu ước đạt 47,2 tỷ USD. Với tốc độ gia tăng như vậy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ có thể sớm vượt 100 tỷ USD trong năm nay. |