Kinh tế thực Trung Quốc “ngấm đòn” chính sách
- Sau 1 năm thắt chặt chính sách tín dụng và cố gắng hạ nhiệt thị trường bất động sản, chính sách của chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu có tác động rõ nét lên nền kinh tế thực.
Có thể thấy rõ ràng nhất tác động của chính sách trong lĩnh vực hàng hóa, nguyên liệu thô như thép, xi măng, đồng; loại mặt hàng vốn có liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực xây dựng và thị trường bất động sản.
Ở thời điểm giữa tháng 10/2011, sản xuất thép của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 1/2011, giá quặng sắt đã giảm tới 30% trong tháng qua khi nhu cầu của Trung Quốc đi xuống.
Ông Zhang Changfu, phó chủ tịch Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, nhận xét: “Chúng tôi thấy như mùa đông đã đến rồi. Thị trường đang thay đổi. Số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh.”
Ông dẫn chứng đến việc so với cùng kỳ năm 2010, số lượng đơn đặt hàng đóng tàu giảm tới 43% trong 9 tháng đầu năm 2011.
12 tháng trước đây, chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách thắt chặt, Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế. Chính sách nay đang tác động đến giá hàng hóa nguyên liệu thô.
Ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế tại Citigroup, chỉ ra: “Chính sách tiền tệ thường có độ trễ khoảng từ 6 đến 9 tháng. Tác động trong quý 3/2011 đã rõ ràng và trong quý 4/2011, mọi chuyện sẽ còn dễ thấy hơn.”
Ông dự báo kinh tế Trung Quốc, sau khi tăng trưởng 9,1% trong quý 3/2011, sẽ chỉ tăng trưởng 8,4% trong quý 4/2011.
Với khoảng 40% nhu cầu liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang hạ nhiệt, ngành thép chịu tác động nặng nề nhất. Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng chậm lại do biện pháp hạn chế của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở và tín dụng thắt chặt. Lượng nhà tồn kho hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, giá bất động sản tháng 10/2011 hạ sâu nhất từ đầu năm 2011, mức hạ 0,23%.
Theo Cafef