Kỳ I - Tái chế đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”
Phân loại mang tính phong trào?
Chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng nếu được tái chế, sử dụng đúng phương pháp sẽ là nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương hiện vẫn chỉ dừng ở khâu xử lý. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tốn kém cho xã hội.
Chai nhựa có thể tái chế thành nhiều vật dụng |
Dẫn chứng câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội - cho biết: Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Nhóm làng nghề tái chế chất thải, đặc biệt là tái chế chất thải nhựa chủ yếu tập trung tại 2 làng nghề Trung Văn và Triều Khúc. Công nghệ thu gom tái chế tại làng nghề này khá đơn giản: Nhựa sử dụng nước trong một số công đoạn như xay nghiền, tạo hạt và làm sạch phế liệu. Các chất thải nhựa được thu gom, phân loại. Sau khi phân loại, nguyên liệu được xay rửa (hoặc xay khô) và phơi khô, tạo hạt. Để sản xuất túi nilon, hạt nhựa bổ sung bột màu theo tỷ lệ 0,1% vào thùng chứa, sau đó gia nhiệt nấu chảy và đẩy vật liệu đến bộ phận cán kéo, tạo màng bằng trục vít. Nhựa khi ép đùn thành sợi được làm nguội bằng nước lạnh qua một hệ thống trục nén, sau đó gia nhiệt lần hai để kéo dãn sản phẩm, cuối cùng đưa qua hệ thống trục cán trước khi được cuộn thành sản phẩm.
Chia sẻ tại hội thảo "Cùng Hà Nội giảm rác nhựa - Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân", lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng đưa ra con số đáng lo ngại: Mỗi ngày trên địa bàn TP. Hà Nội thải ra khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó lượng rác thải nhựa xấp xỉ 18%. Tuy nhiên, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa vẫn chưa phát triển và thành phố gần như không phân loại rác tại nguồn.
Năm 2006, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn thành rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế. Dự án được triển khai tại 4 phường: Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ. Thời gian đầu mới triển khai thu được kết quả đáng khích lệ, ước tính đã giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp (ở các địa bàn triển khai). Tuy nhiên, thời gian sau đó, một phần do thiếu kinh phí, cũng như không có hệ thống xử lý triệt để, dẫn đến tính trạng rác người dân phân loại ra cuối cùng được đổ chung một chỗ. Và hiện tượng này vẫn diễn ra tại nhiều xã, phường, quận, huyện trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
Về vấn đề này, bà Lại Hà Phương – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông – chia sẻ: “Nhiều nơi đã phân loại rác từ đầu nguồn, nhưng công tác thu gom, xử lý còn bất cập. Nếu không đồng bộ thì không có kết quả, có làm cũng bằng không”.
Chứng kiến lượng rác thải nhựa đổ ra môi trường vẫn gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, TP. Hà Nội cần tỏ ra nhất quán hơn trong việc chống rác thải nhựa. Phải có những chế tài nghiêm khắc hơn, nếu không, các hoạt động nhằm giảm thiểu nhựa chỉ dừng ở phong trào.
Cần sự thống nhất
Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Hưởng cho biết: Để giải pháp đưa ra khả thi, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa).
Trung Văn - một trong hai làng nghề tập trung tái chế chất thải nhựa chủ yếu hiện nay của Hà Nội |
Bà Hưởng cho biết thêm: Đối với 2 làng nghề tập trung tái chế chất thải nhựa chủ yếu hiện nay của Hà Nội là Trung Văn và Triều Khúc, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số nhóm giải pháp. Trước mắt là giải pháp kỹ thuật, nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh, tái chế chất thải nhựa. Về xử lý nước thải, đối với từng hộ gia đình, có thể xây một hố ga lắng sơ bộ các chất lơ lửng nhằm giảm lượng bùn ở cống rãnh thoát nước chung. Sau đó, toàn bộ lượng nước thải được dẫn ra là các ao hồ tự nhiên. Người dân có thể tận dụng ao hồ để xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học. Đối với rác thải ở làng nghề nhựa có thể giải quyết theo hướng tạo ra vật liệu mới từ hỗn hợp các loại nhựa thải kém phẩm chất. Việc tái sinh chất dẻo theo phương pháp mới cho phép chế biến các loại vật liệu chất dẻo có điểm nóng chảy khác nhau từ 60 - 400 độ C. Hơn thế, phương pháp này còn cho phép trộn thêm vào chất dẻo thải tới 50% nhiều loại vật liệu thải khác như cao su, mùn cưa, giấy... Các vật liệu mới này có thể được ép hay đúc gia công trong máy ép đùn.
“Về lâu dài vẫn là sản xuất sạch hơn cho làng nghề tái chế nhựa. Do đó, cần cải tiến kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả gia công, giúp tăng năng suất, giảm tiêu hao nước, khi đó sẽ giảm được lượng nước thải ra môi trường. Bên cạnh đó là giải pháp tuần hoàn. Tuần hoàn nước làm nguội để cấp cho quá trình giặt, xay nghiền nhựa giúp tiết kiệm nước” – Bà Hưởng nói.
Hiện nay, các đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố vẫn chờ đợi cơ chế, chính sách quản lý rác thải nhựa hợp lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Đây sẽ là cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả cao hơn. |
Kỳ II- Doanh nghiệp cam kết đồng hành