Ngành than đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng tường, rào, kè bao chống than trôi |
Sản lượng thu mua than liên tục giảm
Ông Phạm Đình Hùng - Trưởng Phòng Tiêu thụ (Công ty CP Kinh doanh than Cẩm Phả) - đánh giá: Việc phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức và cá nhân trong công tác thu mua, tiêu thụ than trôi nổi đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, dù TKV đã lựa chọn các đơn vị có đủ điều kiện, năng lực để thu mua, bố trí bãi chứa than, các phương tiện thiết bị cần thiết, có kiểm định của cơ quan chức năng để xác định chất lượng, khối lượng than, công khai giá thu mua than nhưng sản lượng than mua được đều giảm theo từng năm.
Cụ thể, sau gần 34.000 tấn thu mua được trong năm 2008 và 2009, đến quý I/2010, Công ty CP Kinh doanh than Cẩm Phả là đơn vị duy nhất mua được than trôi nổi với khối lượng 4.640 tấn. Sau đó, sản lượng than mua được giảm mạnh. Đặc biệt, năm 2015 xảy ra trận mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhưng đơn vị này vẫn không thu mua được than tận thu. Tương tự, trong các năm 2008, 2009 và năm 2010, Công ty Kho vận Đá Bạc không thu mua được kg than trôi nào. Đến năm 2011, lượng than mua được là 1.047 tấn. Năm 2014, mua tăng lên 4.049 tấn than nhưng sang năm 2015, con số này lại sụt giảm, chỉ đạt 2.157 tấn.
Quản lý chặt hay cơ chế chưa hợp lý
Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, nguyên nhân dẫn đến sản lượng thu mua than trôi nổi giảm mạnh là do ngành than đã có nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ ranh giới mỏ và hạn chế than trôi nổi tại các bãi thải, khu vực chế biến, điểm trung chuyển than... Theo đó, từ sau năm 2010, hầu hết các đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh than đã đầu tư xây dựng tường rào thép gai, tường bao, tường chắn bằng đá và xít bao quanh các kho, bãi; tổ chức lực lượng bảo vệ trên các tuyến vận chuyển; đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than thay vì dùng phương tiện đường bộ... nên lượng than trôi rất ít.
Bên cạnh đó, sản lượng than thu mua giảm mạnh cũng có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Cụ thể, giá mua than của TKV đưa ra thấp hơn từ 15 đến 20% so với giá than thực tế ở thị trường trong nước vì “phải trừ đi khoảng 20% chi phí quản lý, các khoản thuế, phí phải đóng vào ngân sách theo quy định” - bà Văn Thị Thu Hoài - Phó giám đốc Công ty Kho vận Đá Bạc - nói. Theo đó, đơn vị thu mua phải nộp thay cho người bán các loại thuế, gồm: 12% thuế GTGT; 4% thuế tài nguyên; 1,1% thuế thu nhập cá nhân; 1 triệu đồng/hộ/năm thuế môn bài và chi phí giám sát, an ninh, tổ chức thu mua là 5.000 đồng/tấn than. Vì vậy, nhiều hộ dân dù có than thu gom nhưng vẫn “găm” hàng chưa bán mà nghe ngóng, chờ đợi cơ chế thay đổi.
Bên cạnh đó, than trôi nổi thường có chất lượng thấp (độ tro lớn hơn 65%), lẫn cát, sỏi và đá xít, nên so với quy định tiêu chuẩn chất lượng than do TKV xây dựng và ban hành, các đơn vị không thể mua vào.
Ngoài những nguyên nhân nói trên, theo Sở Công Thương Quảng Ninh, còn có nguyên nhân một số đơn vị được TKV giao tổ chức thu mua than thiếu quan tâm đến công tác này. Ví dụ, Công ty Than Hạ Long không tổ chức thu mua từ năm 2009.
Việc quy định người thu gom than phải được UBND phường, xã xác nhận, khi bán than cũng phải có xác nhận nguồn gốc… là các quy định rất khó thực hiện. Đây là nguyên nhân đẩy các nguồn than trôi nổi về phía “đầu nậu”, bởi giá cao hơn, lại không cần thủ tục pháp lý. |
TIN LIÊN QUAN | |
Kỳ 3: Tăng cường quản lý, tận thu tài nguyên