CôngThương - Chưa năm nào làng nghề này thoát khỏi tình trạng báo động chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm bánh mứt kẹo các loại với lượng hàng chiếm thị phần không nhỏ trên địa bàn Hà Nội dịp tết.
Hãi hùng công nghệ làm mứt
Những miếng mứt bí đao giòn sật, trắng nõn, mứt càrốt đỏ tươi, mứt khoai tây vàng óng... bọc túi giấy bóng kính và cho vào hộp trông thật ngon mắt trên thị trường bánh kẹo tết những ngày này hấp dẫn không ít người tiêu dùng. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, để cho ra lò những sản phẩm bánh mứt kẹo bắt mắt đó, làng nghề Xuân Đỉnh đã thực hiện “công nghệ” chế biến... kinh hoàng. Vào làng Xuân Đỉnh vào những ngày này, không khó khăn gì để mục sở thị một vài cơ sở chế biến bánh mứt tại đây. Tại một cơ sở nằm sâu trong con ngõ hẹp, chiếc sân nhỏ bẩn thỉu bày la liệt càrốt, bí đao đang gọt vỏ. Bí đao được gọt sơ qua, thái miếng rồi vứt ngổn ngang ngay trên sàn nhà. Sau phần sơ chế, bí được chuyển vào một chiếc bể ximăng to tướng chứa nước đục ngầu, nổi váng. Một người làm tại đây cho hay, đấy là bể vôi ngâm để bí vừa giòn, vừa chống mốc.
Trong khi đó, càrốt sau khi thái miếng xếp chất đống trong những chiếc thúng cáu bẩn, rửa qua nước giếng rồi cứ thế mang phơi dọc vỉa hè, mặc xe cộ chạy ngang tung bụi mù mịt.
Không khí làm việc tại đây khá cập rập, bởi nguyên liệu chuyển về ngày càng nhiều. Bà chủ cơ sở sản xuất vừa nhìn tôi ngờ vực, nhưng không quên giới thiệu sản phẩm: “Cô muốn mua bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều giá càng rẻ. Chỉ sau một tuần là có hàng đóng gói sạch sẽ”. Vừa nói, bà chủ này vừa bốc một nắm bí đao vừa sấy từ lò điện đưa cho tôi nếm thử. Quả thật, miếng bí giòn tan, ngọt lừ. Nếu không tận mắt chứng kiến quá trình sơ chế và ngâm thứ quả này, sẽ chẳng ai ngờ vực mà không thử vài miếng. Giá mứt bí bán khá mềm với khoảng 20.000 – 30.000đ/kg, trên 30.000đ/kg mứt càrốt tùy loại. “Cận tết giá càng đẩy lên, không mua ngay thì chịu giá cao đấy!” – bà chủ này nháy mắt.
Cần khép chặt “vòng vây” kiểm soát
Chuyện mất vệ sinh trong quá trình làm bánh làm mứt tại làng nghề nổi danh này xưa nay chẳng phải chuyện lạ. Nếu như ngày bình thường mỗi nhà chỉ làm làng nhàng đủ ăn thì tết mới là mùa làm ăn chính. Nhà nhà làm mứt, nhân công thời vụ được huy động tối đa. Một cơ sở nhỏ cũng trở thành nơi gia công cho nhiều hãng bánh kẹo có tên tuổi. Nguyên liệu khắp nơi đổ về, kéo theo rác thải, nguồn nước ô nhiễm khắp làng nghề là chuyện “đến hẹn lại lên”. Trao đổi với chúng tôi, Phó CT UBND xã Xuân Đỉnh – ông Nguyễn Ngọc Lương - cho hay: “Không phủ nhận việc các hộ sản xuất thiếu ý thức trong đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm, khiến chính quyền khó lòng kiểm soát hết” - ông Lương khẳng định. Việc thanh - kiểm tra đột xuất các cơ sở mất vệ sinh trong quá trình sản xuất sẽ được tăng cường trong dịp này. Theo đó, chính quyền sẽ có mức xử phạt hợp lý, cao nhất là đình chỉ sản xuất”.
Toàn xã Xuân Đỉnh hiện có khoảng hơn 40 hộ sản xuất bánh mứt kẹo, riêng sản phẩm mứt bí đao chiếm 70% số hộ. Mỗi năm, làng nghề này cung ứng khoảng 600 tấn bánh mứt cho Hà Nội. Ngoài các cơ sở nhỏ lẻ, không ít hộ nhận gia công cho một số DN bánh mứt kẹo có tiếng... Tuy vậy, vấn đề quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nói đi nói lại vẫn không thể nào kiểm soát được vào mùa làm ăn giáp tết. Ngoài vấn đề ý thức của người dân thì các biện pháp xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về chất lượng vệ sinh thực phẩm, xem ra vẫn chưa “ăn thua” gì.
Chính vì thế, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất mứt kẹo tại đây. Rõ ràng, đã đến lúc các cơ quan chức năng không thể thả nổi vấn đề này.
Theo Lao Động