Lại “nóng” về an toàn thực phẩm
Khó kiểm soát
Trên thực tế, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ; thịt gia súc, gia cầm bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y…
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội 2015, Sở Y tế Hà Nội, đã kiểm tra 27 cơ sở, trong đó có 11 cơ sở dịch vụ ăn uống, 16 cơ sở sản xuất, xử phạt 5 cơ sở với số tiền phạt gần 39,5 triệu đồng. Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cũng đã kiểm tra xử lý 141 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và ATTP, phạt hành chính hơn 695 triệu đồng…
Kiểm soát chặt thực phẩm gia cầm tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội |
Theo Cục ATTP, Bộ Y tế, hiện công tác quản lý ATTP còn một số bất cập, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP vẫn còn hạn chế, trong khi đó số cơ sở sản xuất thực phẩm của nước ta lại quá lớn. Việc xử lý vi phạm còn chưa kiên quyết, đặc biệt tại xã, phường, dẫn đến tỷ lệ vi phạm về điều kiện ATTP còn cao.
Trong năm 2014, tỷ lệ cũng như số lượng cơ sở có vi phạm ATTP vẫn rất lớn. Cụ thể, trong tổng số 514.735 cơ sở được kiểm tra, có đến 152.750 cơ sở vi phạm, chiếm gần 22%. Nội dung vi phạm phổ biến nhất là điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất không bảo đảm (chiếm trên 12%). Các đoàn kiểm tra cũng đã lấy hơn 14.000 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, kết quả có đến 13,6% số mẫu không bảo đảm chất lượng, trong đó có những mẫu sai phạm rất nghiêm trọng như nhiễm ecoli, coliform, nấm mốc… gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Trong năm, cả nước cũng ghi nhận 189 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.100 ca mắc, 4.100 ca nhập viện và 43 trường hợp tử vong. So với năm 2013, ngộ độc thực phẩm tăng 22 vụ và số người tử vong tăng gần 54%.
Nỗ lực ngăn chặn
Để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm, trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất...
Đồng thời, khi phát hiện vi phạm ATTP sẽ xử lý nghiêm, với mức phạt tiền lên tới 100-200 triệu đồng, số tiền phạt có thể gấp 7 lần giá trị hàng hóa. Mặt khác, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các cơ sở sản xuất, tên sản phẩm vi phạm để người dân không sử dụng các sản phẩm đó hoặc rút giấy phép lưu hành sản phẩm.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm và chính quyền các cấp đang tập trung tuyên truyền rộng rãi, tập huấn cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Yêu cầu các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ nghiêm túc Luật ATTP và các quy định hiện hành, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân.
Bộ Y tế cũng vừa ban hành Kế hoạch số 07/ Ban chỉ đạo Trung ương vệ sinh an toàn thực phẩm về việc triển khai "Tháng hành động vì ATTP" năm 2015 từ 15/4 - 15/5 với chủ đề: "Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn". Mục tiêu của Tháng hành động nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Trong Tháng hành động này, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh, kiểm tra bảo đảm ATTP rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối.