Trong lúc Ngân hàng Nhà nước mong muốn lãi suất cho vay trung - dài hạn giảm thêm từ 1 - 1,5 %/năm, nhưng với động thái mà các ngân hàng phát đi là lời cảnh báo nhiều khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng trở lại khi vốn rẻ không còn.
Vốn rẻ không còn?
Hiện nay, các ngân hàng nhỏ đang đẩy mạnh việc huy động vốn bằng cách tăng lãi suất cho người gửi tiền. Theo đó, các kỳ hạn bắt đầu nhích dần lên. Thực tế, các ngân hàng lớn đang đổ rất nhiều vốn vào cho vay bất động sản, nên đòi hỏi việc huy động nhiều hơn. Trong khi đó, vốn cho vay sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cũng bắt đầu tăng.
Trước thực trạng trên, nhiều ngân hàng cho rằng vốn rẻ đã không còn, nên lãi suất cho vay khó thể giảm thêm. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bắt đầu tăng tốc để tập trung sản xuất, kinh doanh mở rộng đầu tư, khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Cho nên, các ngân hàng tích cực tăng lãi suất để huy động vốn.
Theo thống kê, tín dụng tại Tp.HCM đã tăng 5,4%, chủ yếu đổ vào bất động sản nhưng huy động chỉ tăng 3%. Vì vậy, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động. Theo các chuyên gia phân tích, chi phí đầu vào tăng, khiến cho lãi suất tăng theo. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng nếu muốn giảm lãi suất thì NHNN cần phải hỗ trợ thông qua các công cụ như tái cấp vốn, tái chiết khấu... may ra mới ổn định được lãi suất cho vay. Chứ cứ để ngân hàng cân đối giữa lãi suất huy động và cho vay thì rất khó giảm được.
Với những biến động không nhỏ trong việc thay đổi lãi suất huy động của các ngân hàng. Trong giai đoạn đầu của quá trình tăng này, các ngân hàng nâng cao tỷ trọng vốn huy động dài hạn và chủ động hơn trong việc cho vay trung và dài hạn. Các ngân hàng cho rằng, đường cong lãi suất dần cân bằng, nhưng việc tăng lãi suất huy động ngắn hạn đang tăng lên thì khó có thể giữ được lãi suất cho vay thấp như hiện tại.
Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp vay vốn trung, dài hạn cho mục tiêu sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn và không còn hào hứng mở rộng đầu tư sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng tình hình chưa đến mức phải lo ngại.
Có đáng lo ngại?
Theo Ts. Trần Du Lịch, khi nền kinh tế phục hồi (GDP sáu tháng đầu năm ước tăng đến 6,11%) khiến cho cơ hội đầu tư trở nên nhiều hơn trước, buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để người gửi tiền không chuyển từ gửi tiết kiệm sang các lĩnh vực đầu tư khác. Việc tăng trưởng tín dụng hiện cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước cũng là một lý do khiến các ngân hàng có nhu cầu cao hơn về vốn.
Còn ghi nhận dưới góc độ quản lý thì NHNN cho biết chưa phát hiện đơn vị nào huy động vượt trần lãi suất. Thực tế, lãi suất cho vay trung và dài hạn trong tương lai khó tăng mạnh khi lượng tiền huy động ở các ngân hàng vẫn cao hơn nhiều so với lượng tiền cho vay ra. Cho nên, động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng nên được lý giải là để đáp ứng nhu cầu về thanh khoản, đồng thời giữ chân khách hàng tốt.
Trong cuộc họp báo sơ kết sáu tháng đầu năm 2015 của ngành ngân hàng diễn ra vào hạ tuần tháng 6 vừa qua, đại diện NHNN cũng khẳng định rằng từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ ổn định. Với mức lạm phát dự kiến năm nay khoảng 3 – 3,5%, người gửi tiền tiếp tục có một năm được hưởng lãi suất thực dương.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn vẫn đang tăng lên. Nếu như cuối năm ngoái, con số này là 48,6% trong tổng dư nợ cho vay, thì nay đã tăng lên 54%, cao hơn cả tỷ lệ cho vay ngắn hạn. Điều này cho thấy sau nhiều năm hoạt động sản xuất bị đình trệ, các doanh nghiệp đã phục hồi được phần nào hoạt động sản xuất – kinh doanh. Trong các yếu tố cấu thành lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, lãi suất tiền gửi chỉ là một yếu tố quan trọng chứ không mang tính quyết định. Lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào sự cân đối rổ tiền tệ chung của ngân hàng.
Theo nhận định của Ts. Trần Du Lịch, việc kéo giảm lãi suất cho vay là rất khó, nhất là lãi suất huy động đang tăng và lãi suất cho vay trung và dài hạn bị NHNN khống chế không cho tăng. Cho nên, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động phải thu hẹp trong khi vấn đề này lại liên quan đến chi phí hoạt động của ngân hàng.
Như vậy, ở góc độ nào đó lãi suất huy động tăng lên là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Bởi khi tín dụng được bung ra thị trường, lượng vốn đọng trong hệ thống ngân hàng sẽ được giải tỏa, không còn tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế đang lấy lại đà phát triển, cần lượng vốn nhiều nên ngành ngân hàng phải tái cân đối nguồn vốn huy động để cho vay. Cho nên, việc huy động tăng, cho vay tăng cũng không phải là vấn đề quá lớn đối với nền kinh tế. Việc cấp bách hiện nay vẫn là xử lý nợ xấu thì DN sản xuất bớt khó khăn và giảm áp lực cho ngân hàng.