Lãi suất ngân hàng bất ngờ biến động trái chiều
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN |
Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tiếp tục giảm lãi suất từ 0,1-0,2%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm cao nhất đang áp dụng tại ngân hàng này giảm từ 6,3%/năm xuống còn 6,2%/năm đối với tiền gửi trực tuyến, kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng, lãi suất cũng giảm tương ứng xuống còn từ 5,9-6,1%/năm.
Trừ lãi suất tiền gửi trực tuyến 12 tháng vẫn giữ ở mức 5,7%/năm thì các kỳ hạn khác, lãi suất đều giảm 0,2%/năm so với 1 tuần trước xuống còn từ 3,1-3,3%/năm với tiền gửi dưới 6 tháng và từ 4,6-4,8%/năm với tiền gửi từ 6 đến dưới 12 tháng. Tuy giảm nhưng biểu lãi suất huy động trực tuyến này vẫn cao hơn từ 0,4-0,5%/năm so với huy động tại quầy của Sacombank.
Trước đó, Sacombank cũng vừa có đợt điều chỉnh lãi suất giảm từ 0,3-0,4%/năm với nhiều kỳ hạn vào nửa cuối tháng 8/2021.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mới đây công bố bảng lãi suất huy động giảm khoảng 0,1%/năm với một số kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-3 tháng giảm xuống còn 2,6-2,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm còn 4,1%/năm... Hồi cuối tháng 8/2021, Techcombank cũng đã có đợt giảm lãi suất đối với nhiều kỳ hạn từ 0,1-0,15%/năm.
Trước đó, trong tuần đầu tháng 9/2021, lãi suất tiết kiệm nhiều ngân hàng đã giảm trung bình từ 0,2-0,4%/năm. Cá biệt, có ngân hàng giảm đến gần 1%/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8/2021.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã giảm mạnh lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng xuống còn 6%/năm, thay vì mức 6,8%/năm trước đó; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng cũng giảm mạnh từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm. Đối với khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, TPBank áp dụng lãi suất cao nhất là 6,15%/năm, giảm tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8.
Tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), mức lãi suất huy động cao nhất đã giảm nhẹ từ 5,6%/năm hồi đầu tháng 8 xuống còn 5,5%/năm trong tháng 9 này đối với các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng. Mức lãi suất này tương đồng với lãi suất tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thuộc nhóm lãi suất thấp nhất trong hệ thống.
Riêng Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 9 vẫn đang giữ ở mức 5,6%/năm với khoản gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-3 tháng ở nhóm ngân hàng này hiện ở mức từ 3,1-3,4%/năm; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng niêm yết là 4%/năm.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm sâu hoặc duy trì ổn định ở mức thấp, một số ngân hàng lại có động thái ngược chiều.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), lãi suất tiền gửi cao nhất đã tăng 0,1%/năm lên mức 6,7%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm Ez Saving, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Với một số kỳ hạn ngắn, lãi suất cũng tăng tương tự, như kỳ hạn 1 tháng tăng lên mức 3,55%/năm, 6 tháng là 6,1%/năm…
Còn tại Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank), lãi suất cao nhất được niêm yết là 6,6%/năm cho kỳ hạn 18-37 tháng, tăng 0,4%/năm so với tháng trước; lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng 0,2%/năm lên 6,1%/năm.
Theo giới chuyên gia, việc tăng lãi suất xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng, không phải xu hướng chung. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Bên cạnh đó, tuy lãi suất huy động giảm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất cho vay nhưng việc cho vay cũng không phải là dễ dàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, thanh khoản của ngân hàng nhìn chung vẫn khá dồi dào.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cảnh báo, nếu lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân và doanh nghiệp sẽ có xu hướng đầu tư vào các kênh sinh lời cao hơn nhưng cũng rủi ro hơn như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số…. Khi đó, hệ thống ngân hàng vừa thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, lại vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.