Ngày 5/12, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa bàn hành văn bản về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn.
Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch canh nông thuộc Công ty TNHH Đà Lạt Rau và Hoa, phường 5, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng |
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân là do Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông hiện nay không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định pháp luật liên quan đến loại hình du lịch canh nông.
Đồng thời, việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích (trong đó có thương mại dịch vụ, du lịch canh nông) đã được bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển và kinh doanh loại hình du lịch canh nông trong thời gian tới theo đúng quy định của pháp luật.
Du lịch canh nông là loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên hoạt động, phương thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại với mục tiêu giải trí, giáo dục. Khách tham gia du lịch canh nông sẽ được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi, thu hoạch, mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Du khách được trực tiếp thu hoạch sản phẩm dâu tây tại vườn dâu Bình Yên, phường 6, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng |
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát các cơ sở kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn để hướng dẫn việc đầu tư và kinh doanh đúng quy định của pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận Điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Du lịch, Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025,…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông của Lâm Đồng đạt khoảng 377 tỷ đồng, trên diện tích hơn 300ha (212ha đất nông nghiệp, 9ha đất xây dựng, còn lại 79ha là đất khác).
Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 33 cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Qua gần 2 năm ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng, không thể phủ nhận loại hình du lịch canh nông đã mang lại những mặt tích cực, ưu điểm, là loại hình du lịch luôn thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh thêm nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, nhiều điểm du lịch canh nông còn gặp lúng túng, chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai thực hiện và một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để làm không đúng quy định.