Lâm Đồng: Quyết tâm thực hiện “công khai, minh bạch” trong môi trường đầu tư
Chiều ngày 22/6, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp đang đóng chân hoặc đang có dự án đầu tư, hoạt động tại tỉnh Lâm Đồng.
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc/thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và 30 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, đầu tư tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Toàn cảnh buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: CTV) |
Tại hội nghị có tổng cộng 12 ý kiến, kiến nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các sở, ngành tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tin tưởng, đầu tư kinh doanh lâu dài tại địa phương. Các kiến nghị chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực, ngành nghề: Khai thác, tận thu khoáng sản, trồng rừng, du lịch canh nông, nông nghiệp công nghệ cao… đang gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, quy hoạch, cấp phép, trật tự xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng chủ trì hội nghị. (Ảnh: CTV) |
Sau khi lắng nghe những chia sẻ, kiến nghị của các doanh nghiệp. Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng rất trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết của các doanh nghiệp. Tỉnh nhận thấy được sự tâm huyết đó từ các doanh nghiệp, phải có tình cảm, lòng tin yêu đối với địa phương, thì mới có nhiều doanh nghiệp kiên trì, có những dự án gặp khó khăn nhiều năm trời, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục theo đuổi đầu tư đến bây giờ.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp. (Ảnh: CTV) |
Bất cứ địa phương nào cũng thế, tỉnh muốn phát triển thì doanh nghiệp phải phát triển, đó là điều không thể bàn cãi, việc tỉnh tổ chức buổi làm việc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp là sự cầu thị, lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp.
“Thời gian qua tỉnh gặp một số vấn đề, trong phạm vi, góc độ nào đó đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư công khai, minh bạch, rõ ràng đối với các doanh nghiệp. Từ nhận thức này chúng tôi đang quyết tâm, cố gắng thực hiện bằng được việc “công khai, minh bạch, rõ ràng, hiệu quả” trong môi trường đầu tư, điều này cần có thời gian và mong doanh nghiệp hãy tin điều đó”- Quyền Bí thư tỉnh Lâm Đồng khẳng định.
Khó khăn nêu trên có phần trách nhiệm của các cấp chính quyền chưa làm tốt vai trò trách nhiệm của mình. Thời gian của doanh nghiệp là vàng bạc, chậm trễ giải quyết hồ sơ, chủ trương đầu tư, phần nào đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp có lúc chưa tốt, chính quyền địa phương có đôi lúc trả lời thiếu thiện chí, thiếu sự quyết tâm, còn né tránh trách nhiệm, không có sự đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp thì khó khắc phục được nhược điểm này.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thái Học cho biết, trong quá trình đầu tư vào Lâm Đồng, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật, bị phạt hành chính, bị xử lý, có công trình buộc phải tháo dỡ vì vi phạm, đặc biệt phổ biến nhất là vi phạm về trật tự xây dựng, điều này cũng dẫn đến môi trường kinh doanh không lành mạnh. Do đó, tỉnh đề nghị doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Để có môi trường đầu tư tốt, phải xuất phát từ 2 phía doanh nghiệp và chính quyền, 2 bên phải phối hợp chặt chẽ và thực thi đúng quy định, làm được điều đó thì môi trường đầu tư mới lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững. Nếu 2 bên chưa thống nhất về nội dung, nhận thức, không cùng hành động thì không thể giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện đúng phương châm cái gì đúng thì làm, cái gì sai tuyệt đối không làm, ai đã làm sai thì xử lý, không bao che cho sự sai trái, phải thượng tôn pháp luật.
Do đó, tỉnh đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hãy làm đúng quy định, không được làm sai, nhất là trật tự xây dựng. Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng dẫn chứng, đối với công trình tại Khu du lịch Nam Hồ, phường 11, TP. Đà Lạt, xây dựng tổng cộng 92 công trình, nhưng đã sai phép tới 88 công trình... Ngoài ra, một số khách sạn, công trình khác “to như thế” cũng sai.
Chính vì thế, doanh nghiệp đừng đổ hết lỗi cho chính quyền, doanh nghiệp phải ý thức khi đầu tư vào Lâm Đồng phải nghiên cứu luật cho thật kỹ, nếu kỹ rồi, đúng luật rồi mà các cơ quan, người đứng đầu, người có trách nhiệm, có biểu hiện nhũng nhiễu, né tránh thì phản ánh ngay với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng thẳng thắn nhìn nhận, đôi lúc, đôi nơi vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một số cán bộ, lãnh đạo sở, ngành,…do thời gian qua, tỉnh gặp nhiều vấn đề làm cho cán bộ e ngại, né tránh. Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị với phương châm “3 điều làm, 4 điều tránh”, từ đó dần dần khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy tránh nhiệm nêu trên.
“Để vượt qua mọi khó khăn, thử thách sớm ổn định tình hình đưa Lâm Đồng tiếp tục phát triển, dẫn đầu Tây Nguyên, để làm được điều đó trước mắt và lâu dài có quá nhiều việc cần phải làm. Do đó, tôi mong rằng, doanh nghiệp và người dân hãy vì cái chung, đồng sức, đồng lòng, ủng hộ chính quyền, ủng hộ tỉnh trong thời gian tới”- Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng nhấn mạnh.