Lâm Đồng: Thông xe một phần tuyến đường đèo Prenn
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, sau khoảng 10 tháng nỗ lực, cố gắng, với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương của Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, đơn vị thi công và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đèo Prenn. Đến nay, một phần đoạn đường đèo Prenn dài khoảng 3 km đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng tham dự buổi thông xe một phần tuyến đèo Prenn |
Cụ thể, bắt đầu từ 8h30, ngày 14/12 đoạn tuyến từ thác Đatanla (Km226+165), đến cuối tuyến (Km229+049); giáp đường 3 tháng 4 (phường 3, TP. Đà Lạt) được thông xe cho tất cả các loại phương tiện (trừ xe tải) để người dân, du khách được biết, chủ động phương án lưu thông trên tuyến đường này.
Một khúc cua nằm trên tuyến đèo Prenn đã được mở rộng tầm nhìn, sẵn sàng phục vụ các phương tiện tham gia giao thông |
Thời gian qua, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đèo Prenn luôn được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền, người dân địa phương và du khách. Bởi tuyến đèo Prenn nằm trên quốc lộ 20 là tuyến cửa ngõ kết nối TP. Đà Lạt với sân bay Liên Khương, cao tốc Liên Khương – Prenn, là đường giao thông huyết mạch đi về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Một đoạn tuyến đèo Prenn đã hoàn thành, nghiệm thu và được đưa vào sử dụng |
Sau khi được nâng cấp, mở rộng, đèo Prenn sẽ có mặt đường rộng 14,5 m, 4 làn xe, một số khúc cua nguy hiểm sẽ được thay đổi để mở rộng tầm nhìn. Đặc biệt, “khúc cua tử thần” tại lý trình Km224+854 gần thác Đatanla được nắn thẳng bằng cầu cải tuyến, xóa sổ điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến.
Mặc dù đã được nâng cấp, cải tạo nhưng tuyến đèo Prenn vẫn giữ nguyên độ cong mềm mại, với 2 bên đường là rừng thông đặc trưng của Đà Lạt |
Mặt khác, sau khi thông tuyến đoạn đường đèo này, không chỉ giúp cho việc di chuyển của người dân và du khách từ khu vực bến xe liên tỉnh ở cuối đường 3 tháng 4 (phường 3, TP. Đà Lạt) đến khu du lịch thác Đatanla và ra đường vành đai Trúc Lâm Yên Tử sẽ trở nên thuận tiện, dễ dàng, không còn tình trạng kẹt xe vào các ngày cao điểm, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của địa phương.
Buổi thông xe một phần tuyến đèo Prenn sáng ngày 14/2 đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự |
Mặc dù đã được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, nhưng đoạn đèo này vẫn giữ được độ cong mềm mại, với hai bên đường là rừng thông đặc trưng của Đà Lạt. Khu vực taluy dương và taluy âm được gia cố bằng bê tông cốt thép, phần bờ đất hai bên đường cũng đã được trồng thêm nhiều cây mai anh đào và một số loại cây xanh khác để tôn tạo lại mỹ quan vốn có cho cung đèo này.
Điểm giao cắt giữ tuyến đèo Prenn với đường vành đai Trúc Lâm Yên Tử được đưa vào sử dụng |
Việc thi công hơn 4 km còn lại từ thác Đatanla xuống chân đèo Prenn đang được đơn vị nhà thầu gấp rút hoàn thiện, dự kiến sẽ thông tuyến vào dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Khi hoàn thành, toàn bộ tuyến đường đèo Prenn sẽ mang lại sự liên kết hoàn hảo và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Đà Lạt và các khu vực xung quanh.
Các phương tiện di chuyển trên tuyến đèo Prenn mới được nâng cấp, mở rộng |
Trước đó, ngày 10/2, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ khởi công nâng cấp, cải tạo đèo Prenn có điểm đầu tại Km221+680 (vị trí kết nối với đường cao tốc Liên Khương - Prenn) và điểm cuối tại Km230+200 (vị trí nút giao vào bến xe liên tỉnh - khu vực giao cắt giữa đường Đống Đa và đường 3 tháng 4).
Bề mặt đường đèo Prenn rộng 14,5m, rất thông tháo, kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe vào các ngày cao điểm và các ngày lễ, tết |
Tuyến đường này được thiết kế với quy mô đường cấp III, phù hợp với điều kiện địa hình miền núi. Tổng chiều dài của đoạn đèo là 7,36 km và bề rộng mặt đường 14,5 m, rộng gấp đôi so với trước đây. Dự án có tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, liên danh Đèo Cả là đơn vị thi công.