Làm gì để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển xanh và bền vững?
Để du lịch Mộc Châu phát triển xanh, bền vững, khẳng định “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”, trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, năm 2024, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức hội nghị xúc tiến Du lịch với chủ đề “Định hướng phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu xanh và bền vững”.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Thu Hường) |
Sự kiện với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, đại diện lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương của Sơn La, Hiệp hội du lịch, cùng gần 100 doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh Sơn La, Ban lãnh đạo và các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.
Hội nghị nhằm tham vấn các ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp để đạt mục tiêu phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ngày càng phát triển xứng tầm là khu du lịch quốc gia, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đồng thời, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu từ du lịch
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có quy mô 206.150 ha (bao gồm địa giới hành chính của 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ), có vị trí đắc địa, là cửa ngõ kết nối Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối cửa khẩu quốc tế Lóng Sập với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
"Không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã trở thành "đặc sản”, thành tiềm năng, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá để phát triển du lịch. Chính vì vậy vùng Mộc Châu, Vân Hồ được xác định là một trong các khu du lịch quốc gia, là động lực phát triển du lịch cho toàn vùng và là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch “Qua miền Tây Bắc” theo Quốc lộ 6" - bà Tráng Thị Xuân nhấn mạnh.
Tính riêng năm 2023, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã đón 2,5 triệu lượt khách, chiếm hơn 53,7% khách du lịch đến tỉnh Sơn La, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch 16%/năm; tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu từ du lịch của tỉnh, tốc độ tăng trưởng đạt 27,8%/năm, tạo việc làm cho 5.100 lao động trực tiếp và đông đảo lao động gián tiếp ngoài xã hội.
Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân.
Bà Tráng Thị Xuân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hường) |
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tráng Thị Xuân, bên cạnh những thành tựu, những kết quả đã đạt được, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trong thời gian tới cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch cũng như những vấn đề về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, phát triển đô thị, cũng như những vấn đề về chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, an ninh an toàn cho khách du lịch...
Du lịch Mộc Châu cần làm gì để phát triển xanh, bền vững
Tham luận tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Đạo Dũng Trưởng phòng Quản lý lữ hành – Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng: Để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển xanh và bền vững, chính quyền huyện Sơn La và Vân Hồ, UBND tỉnh Sơn La cần xác định rõ định hướng phát triển không gian tổng thể, phân vùng theo khu vực gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu định hướng phát triển hệ thống đô thị (Mộc Châu, Vân Hồ) gắn với phát triển du lịch, trong đó cần bảo vệ phát triển các không gian xanh, đồi chè, đồng cỏ trong đô thị; tập trung hình thành 3 trung tâm du lịch trọng điểm trong Khu du lịch quốc gia, gồm: Trung tâm nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch sinh thái và trung tâm vui chơi giải trí; tập trung hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm du lịch có chất lượng cao; kết nối xây dựng tour, tuyến du lịch; tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tân - Trưởng phòng sản phẩm của Viettravel đã đánh giá cao và vai trò của Mộc Châu – điểm đến du lịch quan trọng không chỉ của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc. Thời gian qua cho thấy sự quan tâm của khách du lịch đối với địa phương nói riêng và văn hóa, lịch sử vùng Tây Bắc nói chung ngày càng tăng cao.
Ông Nguyễn Hữu Tân kỳ vọng trong thời gian tới, Sơn La sẽ quan tâm và tập trung hơn, trong đó cần xác định những sản phẩm du lịch chủ đạo để có chiến lược đầu tư về cơ sở hạ tầng và truyền thông bài bản phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa truyền thông câu chuyện sản phẩm “Thảo nguyên xanh”. Bên cạnh đó kết hợp du lịch cộng đồng, làng nghề, sinh thái, gắn kết yếu tố văn hóa văn nghệ, ẩm thực, gia tăng giá trị sản phẩm và chia sẻ lợi ích cộng đồng. Chú trọng phát huy yếu tố văn hóa độc đáo, riêng có của một số dân tộc thiểu số chỉ có trên địa bàn như: Xinh Mun, Khơ Mú...
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Thu Hường) |
Tạo dựng cơ chế phối hợp trong định hướng xây dựng sản phẩm, đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ; nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch đến địa phương thông qua các chương trình kích cầu, ưu đãi, miễn giảm giá vé, quà tặng tri ân… công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
Sau 2 ngày khảo sát các sản phẩm du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Xuân Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Tiên Phong - Trưởng ban Xúc tiến - Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội khẳng định: "Từ ngày 17-18/5, Câu lạc bộ lữ hành Unesco đã tổ chức cho hơn 40 doanh nghiệp thành viên và một số doanh nghiệp thuộc các tỉnh khu vực Tây Bắc đi khảo sát các cơ sở dịch vụ lưu trú, điểm đến, cơ sở dịch vụ ăn uống. Qua khảo sát cho thấy, chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, điểm đến, nhà hàng khá tốt, cảnh quan môi trường sạch sẽ, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng đón các đoàn khách chất lượng cao và khách quốc tế thuộc các thị trường khó tính".
Ông Phùng Xuân Khánh đại diện Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội phát biểu góp ý tại hội nghị. (Ảnh: Thu Hường) |
Gợi ý về xây dựng sản phẩm du lịch sau chuyến khảo sát, ông Phùng Xuân Khánh đề xuất, Sơn La nên thiết kế một chương trình 3 ngày 2 đêm để có thể trải nghiệm các sản phẩm du lịch độc đáo của Mộc Châu với các điểm đến: Đồi chè trái tim, Thác nước Nàng tiên, phố đi bộ - chợ đêm ở Mộc Châu; Khu du lịch rừng thông Bản Áng; Cầu kính Bạch Long; Hang Táu; Thung lũng mận Nà Ka.
Bên cạnh đó, để du lịch Mộc Châu phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi số được xem là công cụ quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bà Phan Thị Thái Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề xuất, Sơn La cần tiếp tục triển khai duy trì và đẩy mạnh số hóa thông tin du lịch về Mộc Châu; chọn lọc số hóa một số điểm tiêu biểu với các công nghệ hiện đại 360, VR,…; tăng ứng dụng công nghệ cho thuyết minh tự động; thông báo, cảnh báo cho du khách về thực trạng điểm đến (như thời tiết, giao thông,…); tăng cường liên kết, truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng số du lịch quốc gia; xây dựng bản đồ số tích hợp các lớp thông tin du lịch phục vụ quản lý và quảng bá; tăng cường truyền thông trên các nền tảng số và kênh mạng xã hội có uy tín; quan tâm hạ tầng công nghệ đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu...
Chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị, ông Trần Xuân Việt – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La khẳng định: "Với giá trị cảnh quan thiên niên, văn hóa đặc sắc, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới", do vậy du lịch Mộc Châu phải phát triển xứng tầm, phải bảo tồn và phát triển các giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa - đây chính là mục tiêu của Sơn La".
Ông Trần Xuân Việt chia sẻ bên lề Hội nghị. (Ảnh: Thu Hường) |
"Để đạt mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ngày càng phát triển xứng tầm là khu du lịch quốc gia, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, ngành du lịch tỉnh Sơn La nói chung và Khu du lịch quốc gia nói riêng, Sơn La sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch; hạ tầng giao thông; hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đã đạt được của khu du lịch quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển ứng dụng du lịch thông minh; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch Sơn La phát huy thương hiệu du lịch “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”" - ông Trần Xuân Việt cho hay.
Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Tùng - Giám đốc Công ty CP du lịch quốc tế MTV - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Việt Nam đã đề xuất 4 vấn đề trong phát triển du lịch Mộc Châu. Đặc biệt, ông Tùng cho rằng, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc sắc thì Sơn La còn có nền ẩm thực vô cùng đa dạng và phong phú. Sơn La có thể tổ chức các sự kiện về ẩm thực để góp phần quảng bá, phát triển du lịch cho địa phương.
Ông Đoàn Ngọc Tùng góp ý tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hường) |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đã đánh giá cao tỉnh Sơn La trong tổ chức một chuỗi các hoạt động nhằm quảng bá, tìm giải pháp phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ở tầm cao hơn, để xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu đạt hiệu quả cao và bền vững hơn.
"Tôi thấy nhiều ý tưởng hay từ các doanh nghiệp, chuyên gia cho phát triển du lịch Mộc Châu. Điều này sẽ mang đến cho Mộc Châu một hình ảnh mới trong tương lai" - Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hồ An Phong chia sẻ: "Tôi từng đến Sơn La cách đây 22 năm, trong tâm tưởng của tôi Sơn La vừa gần vừa xa xôi, gần vì con người thân thiện, giản dị, vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên với các bản làng ẩn mờ trong sương. Xa xôi vì lúc đó đường đi khó khăn, phương tiện giao thông cũ kỹ. Nhưng hôm nay, đến với Sơn La đã rất gần vì đường xá đã được nâng cấp, cải tạo đầu tư. Tôi rất thích câu nói của Sơn La "Mộc Châu vừa đủ gần để khách đến, vừa đủ xa để khách ở lại" đây là câu nói rất đúng, cách làm du lịch của Sơn La đã hướng đến sự chuyên nghiệp".
Việc Mộc Châu đạt công nhận là Khu du lịch quốc gia không phải là đích đến cuối cùng mà mở ra con đường đi mới cho du lịch Mộc Châu. Để phát triển du lịch có hiệu quả, bền vững, cần có lộ trình khai thác tiềm năng, lợi thể để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển, tăng trưởng của địa phương. Bởi du lịch phát triển sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của 16 ngành dịch vụ khác.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thu Hường) |
"Sự phát triển của du lịch không thể đo đếm được nhưng nó làm thay đổi một vùng đất vốn ở vùng miền núi xa xôi, làm gia tăng của giá trị sản phẩm thông qua hoạt động du lịch..." - Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định.
Thứ trưởng cho rằng, phải làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, tránh trường hợp phát triển tự phát, phá vỡ không gian du lịch, khai thác cạn kiệt tài nguyên; phải quan tâm huy động nguồn lực xã hội để đầu tư vào khu du lịch quốc gia, phải ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm.
Đối với phát triển sản phẩm du lịch, theo Thứ trưởng Hồ An Phong, với lợi thế của Mộc Châu chúng ta có thể phát triển sản phẩm du lịch đa dạng: Nghỉ dưỡng, sinh thái, trải nghiệm, check in, chăm sóc sức khỏe; ẩm thực, du lịch thể thao,... Đây là xu hướng tạo giá trị gia tăng nâng cao chi tiêu của du khách.
Đặc biệt, Sơn La phải làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến và liên kết trong phát triển du lịch; phải xác định thị trường để tăng chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thứ trưởng, Sơn La sở hữu tài nguyên du lịch tuyệt vời nhất là khí hậu, xu thế tất yếu của du lịch nhất là sau dịch Covid-19 là du lịch thiên nhiên. Đây là cơ hội để du lịch Mộc Châu phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các ý kiến tham luận được chia sẻ tại Hội nghị. Bà Tráng Thị Xuân khẳng định, đây sẽ là căn cứ để Sơn La tiếp tục chỉ đạo, có kế hoạch, chiến lược và giải pháp để định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu tương xứng với tiềm năng, lợi thế, quy mô và tầm vóc của khu du lịch quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường, hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn mà bài học kinh nghiệm từ các khu du lịch quốc gia, các khu du lịch nổi tiếng đã vấp phải.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Sơn La, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đại biểu đã được chứng kiến lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch, thiết lập liên minh bán sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch Sơn La, Câu lạc bộ lữ hành Unesco và các doanh nghiệp ngoài tỉnh Sơn La.