Chỉ số CPI của Việt Nam thường có xu hướng tăng cao
vào tháng 11 và đặc biệt là tháng 12 hàng năm.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam tính đến quý 3 và dự báo cho những tháng cuối năm.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, nền kinh tế trong quý 3 và 9 tháng đầu năm về cơ bản đã được phục hồi, được thể hiện trên cả bốn chỉ số chính của kinh tế vĩ mô là: tăng trưởng GDP, lạm phát, thâm hụt thương mại và lao động việc làm. Tuy nhiên, theo cơ quan này, nếu chỉ số tăng trưởng và việc làm thể hiện xu hướng tích cực thì ngược lại, đang có những rủi ro đáng kể liên quan đến hai chỉ số vĩ mô còn lại là lạm phát và thâm hụt thương mại.
Tạo vòng xoáy lạm phát?
Nhìn nhận về tổng quan kinh tế trong 9 tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đi liền với ba điểm sáng của nền kinh tế về tăng trưởng hồi phục nhanh, cầu đối với hàng hóa xuất khẩu và cầu nội địa gia tăng, và cầu đối với lao động đang có xu hướng tăng cao giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập, thì nền kinh tế cũng đang đối mặt với ba thách thức không chỉ trong những tháng còn lại của năm nay mà cả năm 2011.
Đó là, kiềm chế lạm phát từ 7 -8%/năm, cải thiện thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai và khắc phục tình trạng thiếu hụt điện năng.
Đồng thời, trong thời gian qua, nền kinh tế cũng xuất hiện một số rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sự gia tăng của ba loại “giá” trên ba thị trường vốn, ngoại hối và lao động là lãi suất, tỷ giá và tiền công. Cả ba loại giá này đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi và không như kỳ vọng của cơ quan quản lý.
Và theo nhiều chuyên gia, biến động của ba loại giá nói trên không tồn tại độc lập mà tương tác lẫn nhau, có khả năng tạo ra vòng xoáy về lạm phát trong quý 4/2010 và có thể là cả trong năm 2011.
Trong khi đó, bình luận về diễn biến các chỉ số kinh tế vĩ mô, Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù nền kinh tế đã được phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2010 nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp.
Cụ thể là tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm đạt mức 6,52% so với cùng kỳ năm trước, bằng mức 6,52% của cùng kỳ năm 2008 và cao hơn mức tăng trưởng 4,62% cùng kỳ năm 2009.
Cán cân vãng lai và cán cân thương mai vẫn trong tình trạng thâm hụt cao và dai dẳng, làm gia tăng áp lực lên thị trường ngoại hối và tỷ giá trong bối cảnh dự trữ ngoại hối còn mỏng và nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai là do thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn trong tình trạng cao và kéo dài, đặc biệt là thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Lạm phát có thể tăng 8,4%
Nhìn nhận về diễn biến lạm phát trong những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, rủi ro lạm phát là tương đối cao, cộng với việc giá vàng và USD trên thị trường tự do tăng cao và biến động khó lường đang tạo ra thách thức lớn cho nỗ lực kiềm chế lạm phát từ 7 - 8% cho cả năm 2010.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 và tháng 10 đã vọt tăng cao mức kỷ lục trong nhiều năm qua, đạt mức 1,31% trong tháng 9 và 1,05% trong tháng 10. Cùng với đó, do tỷ lệ lạm phát đã leo thang 6,46% chỉ trong 9 tháng đầu năm nên dư địa còn lại cho sự gia tăng lạm phát trong quý 4 là rất hẹp (dưới 1,54%/quý, hay dưới 0,51%/tháng) khi so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 8%/năm.
“Chính mức tăng cao đột biến của chỉ số CPI trong hai tháng vừa qua cộng hưởng với xu hướng tăng cao thường xảy ra với chỉ số CPI vào những tháng cuối năm trong bối cảnh giá vàng, giá USD trên thị trường tự do tăng cao và biến động khó lường đã cho thấy những khó khăn, thách thức lớn đối với Chính phủ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát từ 7 - 8% trong năm nay”, báo cáo nêu rõ.
Với thực tế trên, Ủy ban Kinh tế dự báo, nỗ lực kiềm chế lạm phát từ 7 - 8% trong năm 2010 sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho những tháng còn lại của năm. Căn cứ vào những nguyên nhân gây ra sự tăng cao của chỉ số CPI trong thời gian qua (lạm phát chi phí đẩy, tăng giá nhóm lương thực, nhóm nhà ở, vật liệu) có thể nhận thấy, nguyên nhân gây ra tăng chỉ số CPI của nhóm giáo dục chỉ mang tính mùa vụ tạm thời. Trong khi những nguyên nhân khác (đóng góp khoảng 0,61%) lại đang có chiều hướng gia tăng áp lực trong quý 4 này.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI của Việt Nam thường có xu hướng tăng cao vào tháng 11 và đặc biệt là tháng 12 hàng năm, nên nhiều khả năng, nỗ lực kiềm chế lạm phát cả năm từ 7 - 8% như mục tiêu đề ra sẽ trở nên khó khăn hơn trong quý 4.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, nếu không có những biện pháp ứng phó hữu hiệu và kịp thời nhằm kiềm chế đã tăng chỉ số CPI trong quý 4, nhiều khả năng tỷ lệ lạm phát trong năm sẽ dao động trong khoảng 7,9 - 8,4%.
Theo VnEconomy