Làm rõ hơn về 2 chính sách trong cơ chế mua bán điện trực tiếp
Vuasanca đăng tải các đề xuất chính sách về cơ chế PDDA do Bộ Công Thương chủ trì, làm đầu mối xây dựng.
Mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng: Tự thoả thuận giá, không giới hạn công suất
Theo Bộ Công Thương, trong trường hợp thực hiện cơ chế PDDA qua đường dây riêng, Đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện. Giá bán điện sẽ do hai bên thỏa thuận trực tiếp.
Tuy nhiên, các bên tham gia việc mua bán điện qua đường dây riêng phải tuân thủ để triển khai hoạt động mua bán điện như vấn đề về: (i) Nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; (ii) Quy định về đơn vị phát điện, khách hàng lớn trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; (iii) Hợp đồng giữa Khách hàng và Đơn vị phát điện; và (iv) Trách nhiệm thực hiện. (Chi tiết trong dự thảo Nghị định quy định về cơ chế PDDA đang được lấy ý kiến).
Có 2 hình thức mua bán điện trực tiếp: Qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia |
Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện Quốc gia: Công suất bên bán tối thiểu từ 10 MW, khách hàng đấu nối ở cấp 22 kV trở lên
Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu đang muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đều có cam kết về môi trường, việc quy định các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ chế mua bán điện trực tiếp tham gia thị trường điện đảm bảo việc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp trong trường hợp cơ sở của đơn vị phát điện và khách hàng ở xa nhau, không có kết nối trực tiếp về mặt vật lý, khi đó, đơn vị phát điện sẽ thông qua hệ thống lưới điện quốc gia để truyền tải điện đến cơ sở tiêu thụ của khách hàng. Đồng thời, việc ban hành quy định để đảm bảo các bên thực hiện thỏa thuận theo đúng tính chất của cơ chế mua bán điện trực tiếp, tránh các hiện tượng chuyển giá và trục lợi từ cơ chế. Ngoài ra, chính sách này giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình đã được duyệt.
Việc tham gia mua bán điện qua lưới điện quốc gia, đơn vị bán điện và khách hàng sử dụng điện lớn cần tuân thủ các quy định về: (i) Giao dịch giữa các đơn vị; (ii) Mua bán điện của đơn vị phát điện thông qua thị trường điện giao ngay; (iii) Mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng và đơn vị bán lẻ điện; (iv) Hợp đồng giữa khách hàng và đơn vị phát điện; và (v) Trách nhiệm thực hiện.
Theo Bộ Công Thương, để tham gia cơ chế DPPA, đối với đơn vị phát điện sở hữu nhà máy năng lượng tái tạo (điện gió hoặc mặt trời) đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10 MW trở lên (để đáp ứng các yêu cầu tham gia thị trường điện và tuân thủ theo quy định vận hành hệ thống điện phân phối).
Đối với khách hàng sử dụng điện lớn đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên;
Các đơn vị điện lực khác tham gia PDDA bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện; Đơn vị truyền tải điện; Đơn vị phân phối điện và Đơn vị bán lẻ điện.
Nguyên tắc giao dịch giữa các đơn vị: Quy định các nội dung về nguyên tắc giao dịch giữa đơn vị phát điện, khách hàng và đơn vị bán lẻ điện, trong đó: (i) Đơn vị phát điện kết nối với lưới điện quốc gia và bán điện năng của nhà máy điện lên thị trường điện giao ngay trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh; (ii) Khách hàng mua điện từ đơn vị bán lẻ điện cho toàn bộ sản lượng điện khách hàng sử dụng theo giá bán điện; (iii) Các khách hàng ký kết trực tiếp hợp đồng kỳ hạn với đơn vị phát điện. Trong hợp đồng này, hai bên sẽ cam kết về việc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá thị trường điện giao ngay và giá cam kết tại hợp đồng cho một mức sản lượng điện cụ thể trong từng chu kỳ giao dịch trong tương lai.
Mua bán điện của đơn vị phát điện thông qua thị trường điện giao ngay: Quy định về các nội dung về việc tham gia thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh của đơn vị phát điện (bao gồm việc ký hợp đồng, công bố công suất, chào giá và tính toán doanh thu cho đơn vị phát điện).
Quy định mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng và đơn vị bán lẻ điện:
+ Trong giai đoạn khi Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá liên quan chưa có hiệu lực: Đơn vị bán lẻ điện thực hiện phân phối, cung cấp điện cho khách hàng để đáp ứng toàn bộ nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất của khách hàng theo giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
+ Trong giai đoạn kể từ thời điểm Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá liên quan có hiệu lực: Đơn vị bán lẻ điện và khách hàng mua điện theo giá điện phản ánh đúng và đầy đủ theo các khoản chi phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ (giá truyền tảỉ điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện v.v…).
Hợp đồng giữa khách hàng và đơn vị phát điện: Quy định về việc ký kết hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện và khách hàng (trong đó bao gồm sản lượng hợp đồng và giá hợp đồng, giá tham chiếu, nguyên tắc thanh toán) dự kiến như sau: (i) Sản lượng hợp đồng và giá hợp đồng: hai bên thoả thuận, thống nhất cho các chu kỳ giao dịch trên thị trường điện giao ngay; (ii) Giá tham chiếu: theo giá thị trường điện giao ngay đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, công bố theo quy định của thị trường điện. (iii) Thời hạn của hợp đồng kỳ hạn, giá hợp đồng và sản lượng điện cam kết trong hợp đồng kỳ hạn cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai do hai bên thỏa thuận, thống nhất. Trường hợp giá hợp đồng cao hơn giá tham chiếu, khách hàng thanh toán khoản doanh thu theo hợp đồng này cho đơn vị phát điện. Trường hợp giá hợp đồng thấp hơn giá tham chiếu, Đơn vị phát điện thanh toán khoản doanh thu theo hợp đồng này cho khách hàng.
Hiện dự thảo Nghị định về DPPA đang lấy ý kiến công khai. Các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, cá nhân... có thể tham gia đóng góp ý kiến và gửi về Bộ Công Thương (qua Cục Điều tiết điện lực, địa chỉ: D10 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) để tổng hợp, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ trước 30/4/2024. |