Làm tốt công tác điều tra năng lực các sản phẩm công nghiệp chủ lực
Tin hoạt động 29/12/2016 14:24
Toàn cảnh hội nghị |
Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), để có cơ sở bổ sung chiến lược phát triển công nghiệp và phân bố công nghiệp hợp lý, ngày 22/4/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1542/QĐ- BCT về việc Điều tra thống kê quốc gia năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp.
Đây là lần thứ hai Bộ Công Thương tiến hành thu thập thông tin chỉ tiêu năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp. Với sự phối hợp chặt chẽ của Tổng cục Thống kê trong việc thẩm định phương án và kết quả điều tra cũng như sự cố gắng của các Sở Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty trong công tác triển khai, thực hiện, cuộc điều tra đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần hoàn thành xuất sắc mục tiêu đánh giá được năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Cụ thể, công tác triển khai đã được thực hiện nghiêm túc. Một số Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND ban hành văn bản chỉ đạo hoặc phối hợp với cục thống kê địa phương thu thập số liệu hoặc lồng ghép, mở rộng thêm các sản phẩm điều tra theo yêu cầu quản lý của nhà nước, địa phương để tiết kiệm thời gian, công sức và tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Theo đó, có thể khẳng định đây là kênh cung cấp thông tin cơ bản và đầy đủ nhất từ trước tới nay của Bộ Công Thương. Vì vậy, số liệu năng lực sản xuất sản phẩm điện, than, dầu khí gần như đầy đủ; Ngành công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; sản xuất bia, rượu, nước giải khát; thuốc lá, dệt may, thép, xi măng cũng được đánh giá, thống kê chi tiết… chỉ thiếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phương pháp điều tra ở một số địa phương vẫn còn vướng mắc, điển hình là các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chuyển địa điểm, nên khó khăn trong quá trình xác minh và điền phiếu điều tra. Ngoài ra, nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin thống kê chưa toàn diện.
Chia sẻ những khó khăn tại hội nghị, ông Phan Văn Dân - đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, đối với tỉnh Đồng Nai, số lượng doanh nghiệp khá nhiều. Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp ngành công nghiệp, trong đó có 400 doanh nghiệp theo danh mục sản phẩm điều tra của Bộ Công Thương. Trong khi lực lượng tham gia điều tra chỉ có 4 cán bộ, bình quân mỗi cán bộ phụ trách 100 doanh nghiệp, cho nên không thể đi hết trực tiếp xuống doanh nghiệp mà phải gửi phiếu qua bưu điện.
“Ngoài ra, về phía Sở Công Thương không có biện pháp chế tài xử lý doanh nghiệp khi không thực hiện điều tra, cán bộ không có kinh nghiệm nghiệp vụ điều tra, trong quá trình điều tra phải thực hiện nhiều việc. Dẫn đến không thu được hết phiếu điều tra, tỷ lệ thu phiếu thấp, không phát hiện ra sai sót trong phiếu điều tra để chỉnh sửa…”, ông Dân lưu ý.
Tại hội nghị, các Sở Công Thương cũng kiến nghị với Bộ Công Thương cần xem xét, phối hợp với Tổng cục Thống kê bổ sung vào phương án quy định chế tài bắt buộc đối với những doanh nghiệp cố tình không hợp tác cung cấp thông tin điều tra, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong quá trình triển khai điều tra.
Đánh giá kết quả hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, vai trò của thông tin thống kê ngày càng quan trọng, là nguồn thông tin cần thiết phục vụ cho yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, số liệu thống kê về năng lực sản xuất của sản phẩm có vai trò quan trọng giúp nhà quản lý đánh giá khả năng sản xuất sản phẩm công nghiệp trong nước, từng địa phương và doanh nghiệp. Chính vì vậy, các Sở Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp cần tập trung làm tốt công tác điều tra năng lực các sản phẩm công nghiệp chủ lực tạo ra kênh cung cấp thông tin cơ bản và đầy đủ.
“Ngoài ra, kênh thông tin này sẽ là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ngắn hạn và dài hạn của ngành công nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.