Làng lụa Vạn Phúc: Hấp dẫn du khách bằng nghề truyền thống
- Ông Lê Quang Đạo- Phó giám đốc Công ty du lịch tầm nhìn Việt- cho biết, hiện khách hàng của công ty có rất ít khách yêu cầu đi tour về làng lụa Vạn Phúc, một số khách đi về rồi phàn nàn là đọc thông tin trên mạng, xem hình ảnh làng lụa rất đẹp nhưng khi đến rồi thì không được như những gì đã hình dung về một làng nghề truyền thống. Hầu hết du khách đến Vạn Phúc đều không thỏa mãn vì không có các địa điểm để tham quan, ngoài mua sắm quanh làng lụa. Thái độ bán hàng thiếu chuyên nghiệp cũng làm du khách thất vọng, không chỉ có khách nước ngoài mua phải hàng Trung Quốc mà thậm chí khách nội còn khó phát hiện đâu là lụa “made in Vietnam”.
Trước những bất cập trên của làng nghề Vạn Phúc, chiến lược đưa làng lụa trở thành điểm đến du lịch trọng điểm của thủ đô theo một số doanh nghiệp lữ hành khó khả thi. Bởi, làng lụa Vạn Phúc theo xu thế đô thị hóa đã quá lâu, không giữ được những nét cổ kính cũng như nghề truyền thống của làng. Theo thống kê của Sở Văn hóa- thể thao- du lịch Hà Nội, Vạn Phúc có đến 400 hộ làm nghề nhưng hiện chỉ có cơ sở sản xuất của nghệ nhân Triệu Văn Mão là duy trì phương thức sản xuất cổ truyền, điều này khiến việc xây dựng tour du lịch trải nghiệm làng nghề gặp khó khăn.
Để gỡ nút thắt cho làng nghề Vạn Phúc phát triển du lịch, ông Phùng Quang Thắng- Trưởng phòng đầu tư và phát triển Tổng Công ty Du lịch Hà Nội- đề xuất: Thay vì chỉ có vài ba gia đình làm để biểu diễn cho khách xem như hiện nay, cần có kế hoạch mở rộng hoạt động nghề dệt. Còn ông Lê Quang Đạo thì đề xuất, cần quy hoạch lại làng nghề truyền thống, đưa các điểm du lịch trong làng vào trùng tu, bảo vệ, như địa điểm nhà Bác Hồ đã ở trong thời gian viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hoặc nhà in, khu đình làng nơi đặt 2 khung cửi cổ, các cơ sở sản xuất lụa truyền thống… Tuyên truyền cho người dân trong vùng về kỹ năng bán hàng cũng như ý thức của người dân trong khu vực du lịch. Kết hợp khai thác các địa danh hoặc các tuyến du lịch gần làng lụa, như vậy các chương trình tour sẽ không bị nhàm chán.
Để làng lụa Vạn Phúc lấy lại sức hấp dẫn đối với du khách, ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa- thể thao- du lịch Hà Nội, nhấn mạnh, làng lụa cần phải xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch, tổ chức việc sản xuất như một điểm tham quan phục vụ du khách. Khi đặt chân đến, du khách có thể tìm hiểu bản sắc văn hóa, vừa tham gia vào quá trình sản xuất, trực tiếp mua sản phẩm hoặc đặt theo yêu cầu.
Được biết, Sở Sở Văn hóa- thể thao- du lịch Hà Nội đang tiến hành các hoạt động như xây dựng bài thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch này để phổ biến đến các doanh nghiệp lữ hành, lựa chọn một số cơ sở mua sắm để xếp hạng "dịch vụ mua sắm đạt chuẩn".Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch tại các cơ sở sản xuất và các cửa hàng phục vụ khách du lịch tại Vạn Phúc… Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc sẽ kết hợp với các công ty du lịch tổ chức đưa khách tham quan, giới thiệu, quảng bá nét độc đáo của làng nghề tới công chúng trong và ngoài nước.
Hoa Quỳnh