Lắng nghe để có giải pháp kịp thời
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 đã đạt những kết quả quan trọng bước đầu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến, phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 |
Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, hoặc tạm ngừng hoạt động…
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, giữ tốc độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, “các chính sách hỗ trợ có đến được với doanh nghiệp không, đến được mức độ nào” - Tổ trưởng Tổ công tác - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - đặt vấn đề tại buổi làm việc với các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; đại diện các hiệp hội: Dệt may, da giày và túi xách, giấy và bột giấy, vận tải, Ôtô, doanh nghiệp hàng không, bất động sản, logistics và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Tổ công tác của Thủ tướng đã lắng nghe, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để có cơ sở tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chỉ đạo kịp thời.
“Tổ công tác sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể, không chung chung, đồng thời phải hết sức khẩn trương; các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội cũng phải kịp thời trình Quốc hội”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Cùng với đó, Tổ trưởng Tổ công tác cũng cho rằng, trong thách thức có cơ hội, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp có thể “trầm tĩnh lại” và tiến hành các giải pháp tái cơ cấu trong hoạt động, suy nghĩ thêm về các chiến lược dài hơi. “Ví dụ, các nước đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang, đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam khi năng lực sản xuất lên tới 100 triệu chiếc mỗi ngày như phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.