Các tour du lịch làng nghề chỉ dừng lại ở việc tham quan chiêm ngưỡng tẻ nhạt.
CôngThương - Thiếu hấp dẫn
Bà Hồ Kim Dung - Phó giám đốc Kênh du lịch Việt Như - cho biết, 3 năm trước, trung bình mỗi tháng, công ty đưa 4 - 5 đoàn đến Bát Tràng, Vạn Phúc. Năm nay, do lượng khách giảm, việc đi các làng nghề chỉ dành cho tour có thời gian sau khi thăm các điểm chính. “Nhu cầu của du khách là được tham gia sản xuất. Họ thích tìm hiểu tập quán sản xuất, các giá trị văn hóa, lịch sử, thế nhưng các làng nghề lại thiếu vắng thông tin. Hầu như các tour chỉ dừng lại ở việc tham quan, chiêm ngưỡng tẻ nhạt, vì vậy du khách rất chán nản, không muốn trở lại” - bà Dung chia sẻ.
Nguyên nhân khác của tình trạng vắng khách, theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Tiếp thị Vietravel - là do sản phẩm quá đơn điệu, năm này qua năm khác vẫn không thay đổi mẫu mã; người dân ở các làng nghề thiếu kiến thức về du lịch, không biết ngoại ngữ, cách tiếp thị; dịch vụ đi kèm thiếu thốn, phát triển tự phát, khiến doanh nghiệp (DN) lữ hành không mặn mà giới thiệu với du khách, vì sợ chất lượng tour bị ảnh hưởng.
Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội - Mai Tiến Dũng - thừa nhận, việc phát triển du lịch làng nghề của Thủ đô đang còn nhiều bất cập. Mặc dù các làng nghề đã định hướng phát triển du lịch nhưng đang vướng mắc một số vấn đề, như: Giao thông không thuận lợi, dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, sản phẩm thủ công không có mẫu mã đặc sắc...
Bảo tồn để phát triển
Để DN đưa khách về làng nghề, ông Mẫn cho rằng, trước hết, Hà Nội phải đầu tư có kế hoạch chi tiết và rõ ràng về việc bảo tồn. Không chạy theo phong trào mà cần phải thực chất, từ góc độ bảo tồn đến yếu tố kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm... “DN không cần đầu tư, hỗ trợ, chỉ cần phối hợp tốt trong kế hoạch phát triển sản phẩm, xây dựng tour. Quan trọng là tạo điều kiện cho các hộ gia đình sống được với nghề, làm ra sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, tạo lập được thị trường tiêu thụ sản phẩm, để bảo tồn làng nghề, có như vậy du lịch tại làng nghề mới phát triển” - ông Mẫn nói.
Trong chiến lược đẩy mạnh phát triển du lịch Hà Nội đã xác định, gắn phát triển du lịch làng nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện mục tiêu này, ông Mai Tiến Dũng cho biết, sắp tới, Sở VH-TT&DL sẽ kết hợp với các địa phương, nghệ nhân các làng nghề chuẩn hóa điểm đến tham quan; trước mắt, chọn một số điểm tiêu biểu, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người phục vụ, thuyết minh viên... từ đó xây dựng điểm đến cho tour du lịch làng nghề.
Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) vừa được chọn là điểm đến du lịch làng nghề tiêu biểu của TP.Hà Nội. Theo đó, làng nghề thực hiện những hoạt động như xây dựng bài thuyết minh chuẩn để phổ biến đến các DN lữ hành, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch tại các cơ sở sản xuất và các cửa hàng phục vụ khách. |