CôngThương - Chủ trương xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới đã được chính quyền cùng đồng bào các dân tộc hưởng ứng tích cực. Cùng với sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, người dân trong thôn, bản đã đóng góp tiền của, công sức tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, thông qua các hoạt động như cải tạo nhà ở, mua sắm thêm các trang thiết bị tối thiểu như: chăn, ga, gối đệm để phục vụ và đón khách du lịch tham quan, lưu trú. Ý thức làm đẹp cảnh quan chung của bản làng được nâng lên, các công trình vệ sinh đã được xây dựng; phong trào tìm hiểu, khôi phục truyền thống văn hóa dân tộc đã lôi cuốn sự tham gia của các lứa tuổi, tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, trở thành hoạt động thường xuyên, sôi nổi của người dân địa phương. Cùng với sự hỗ trợ về vật chất, các thành viên trong làng văn hóa còn được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch, điều này giúp đồng bào có thêm kinh nghiệm về phục vụ, đón khách du lịch đến tham quan, lưu trú.
Kết quả bước đầu đã thu hút được lượng khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại làng, qua đó tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, góp phần cổ vũ, động viên người dân nơi đây tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Đến với làng văn hóa Hà Giang, du khách cảm nhận một diện mạo mới của nông thôn vùng cao, nhưng không vì thế mà mất đi vẻ cổ kính vốn có của ngôi làng. Người ta dễ nhận ra ngôi nhà sàn của người Tày; đồng thời cũng không khó để nhận biết những ngôi nhà, bản làng người Mông với kiến trúc đặc trưng là những nếp nhà thấp, trình tường (tường đất), nhà được lợp bằng ngói âm dương, khuôn viên được bao bọc bằng bức tường đá xếp….
Vẫn còn đó các công cụ phản ánh về lao động sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân. nơi đây sẽ là những khám phá bất ngờ thú vị cho các du khách đến tham quan. Ngoài ra, du khách còn được giao lưu văn hóa, văn nghệ, được giới thiệu phong tục, tập quán, lễ hội của từng dân tộc, thưởng lãm và tham dự các cuộc hát cọi, hát then, hát lượn, hát hội, múa khèn, múa bát, múa cấy, múa cày….
Thế nhưng, để phát triển và duy trì Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với nông thôn mới, cái khó khăn nhất khi triển khai thực hiện là nguồn kinh phí rất hạn chế; việc lựa chọn, đầu tư xây dựng Làng văn hóa du lịch chưa có sự đồng bộ, các hạng mục đầu tư còn thiếu chọn lọc không đảm bảo các điều kiện phục vụ, thu hút khách như cảnh quan, cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Chính vì vậy, trong thời gian tới, rất cần ban quản lý, các nhà chuyên môn trong tỉnh rút kinh nghiệm và điều chỉnh mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với nông thôn mới khai thác tối đa tiềm năng du lịch, nhưng vẫn phải bảo tồn bản sắc dân tộc vốn có.
PGĐ Sở VHTT&DL Hà Giang - Triệu Thị Tình: Hà Giang chủ trương phát triển nhanh mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách. Tính đến hết quý I/2013 đã có trên 140.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trong đó 26% là khách nước ngoài. Hà Giang phấn đấu năm 2013 đạt trên 400.000 lượt khách đến tham quan du lịch. |