Lấp lánh chưa hẳn là vàng
Không chỉ vậy, nhiều cảnh báo về rủi ro khi giao dịch, đầu tư, sở hữu tiền ảo cũng được phát đi… Nhưng, bất chấp các cảnh báo, sau Bitcoin, hàng loạt đồng tiền ảo, như: Ethereum, Ripple, Stellar, Zcash, Pincoin, One Coin, TEC, BNC… cùng hàng trăm SGD vẫn thu hút đông đảo nhà đầu tư (NĐT) Việt Nam.
Và điều không mong muốn đã đến với khởi đầu là vụ sập sàn BitConnect ở Mỹ khiến hàng trăm NĐT ở TP. Hồ Chí Minh náo loạn. Ngay sau đó, cũng tại TP. Hồ Chí Minh, trên 32 nghìn người có nguy cơ mất trắng 15 nghìn tỷ đồng đầu tư vào đồng iFan và Pincoin của Công ty CP Modern Tech.
Đặc biệt, hệ thống đào tiền ảo Sky Mining cáo chung khiến hơn 4.000 NĐT Việt Nam liên lụy và liền sau, Asama Mining với đồng Asama Coin "có biến" kéo theo hàng nghìn NĐT trót bỏ tiền nay không rút được 1 đồng...
Lợi nhuận đã khiến nhiều NĐT mờ mắt và gánh hậu quả. Có thời điểm, dự án iFan cam kết đem lại lợi nhuận cho NĐT 48%/tháng, tương đương 576%/năm và nếu mời gọi được người khác tham gia (theo mô hình đa cấp) còn được hưởng thêm 8% hoa hồng. Asama cũng đưa ra lời mời khó cưỡng với lợi nhuận tùy theo số tiền đầu tư từ 25% - 300%/năm. Thậm chí, các SGD còn đưa ra phần thưởng hấp dẫn, như: Túi xách, đồng hồ hàng hiệu, thậm chí xe hơi hạng sang… mỗi khi NĐT đạt mốc doanh thu.
Lời khuyên hợp lý lúc này có lẽ là hãy bình tĩnh để nghĩ về câu: "Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng" và cần nhớ hơn đến lời cảnh báo từ cơ quan quản lý nhà nước, rằng: Tiền ảo nói chung hay Bitcoin nói riêng không phải tiền tệ và cũng không phải phương thức thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.