VCCI góp ý gì về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)? Ban soạn thảo Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng họp lần thứ tư Sửa đổi Luật để bảo vệ người tiêu dùng toàn diện hơn |
Thực hiện nhiệm vụ thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), sáng 9/2, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Phát biểu tại hội thảo ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV. Theo đó, đã có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật .
“Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 45 Điều; bổ sung 2 Điều; chuyển nội dung 2 Điều sang điều khác; bãi bỏ 2 Điều và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - ông Tạ Đình Thi thông tin.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đến thời điểm hiện tại, các vấn đề cần xin ý kiến cụ thể:
Thứ nhất, về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3), theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, về khái niệm người tiêu dùng có 2 loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật. Vì, trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại.
Bên cạnh đó, việc quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh.
Hơn hết, quy định này kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999; đồng thời kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù quy định về vấn đề này tương đối khác nhau nhưng pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức.
Loại ý kiến thứ hai, cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”. Vì, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.
Ngoài ra, người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp. Đồng thời, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân. Chính vì vậy, dự thảo Luật quy định tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.
Trước hai loại ý kiến như trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án tiếp thu như trong dự thảo Luật để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phương án 1, giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.
Phương án 2, giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”.
Thứ hai, về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Mục 5 Chương V), theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng còn có 2 loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai, cho rằng quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 100, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung nhưng quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật.
Trước hai loại ý kiến như trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề xuất, 2 phương án dự kiến tiếp thu để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Phương án 1, kế thừa Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trên cơ sở dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 69 dự thảo Luật quy định: “Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”; bổ sung tại khoản 3 Điều 69 nội dung “Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 78 dự thảo Luật.
Phương án 2, không quy định thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý hiện còn 7 Chương, 79 Điều. |