Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia nâng cao tiếng nói của thanh niên trong ứng phó biến đổi khí hậu
Theo đó, trong thông điệp nhân Ngày Thành phố Thế giới, ông Guterres nhấn mạnh, với việc chiếm hơn một nửa dân số thế giới và 70% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, các thành phố đang ở tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Theo ông, các thành phố này cần động lực và tầm nhìn của thanh niên để hướng đến việc thay đổi.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nêu bật vai trò của thanh niên trong việc thúc đẩy hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và định hình tương lai đô thị, đồng thời kêu gọi trao quyền cho nhóm này để đẩy nhanh tiến trình phát triển bền vững toàn cầu.
Ông lưu ý, thanh niên ủng hộ việc sử dụng năng lượng tái tạo, việc làm xanh, xây dựng hệ thống giao thông công cộng ít phát thải và các biện pháp thích ứng với khí hậu, góp phần định hình các thành phố bền vững. Do đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia nâng cao tiếng nói của thanh niên, đầu tư vào các ý tưởng của họ và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của thanh niên vào quá trình ra quyết định.
Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay. Ảnh: Pixabay |
“Bằng cách trao quyền cho những người trẻ tuổi, chúng ta có thể đẩy nhanh hành động vì khí hậu và thúc đẩy tiến trình toàn cầu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Guterres bày tỏ.
Ngày Thành phố Thế giới do Chính phủ Trung Quốc đề xuất trong Tuyên bố Thượng Hải tại Triển lãm Thế giới năm 2010. Sau đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra một nghị quyết ấn định ngày 31/10 là Ngày Thành phố Thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cấp thiết phải xây dựng các thành phố thành nơi bền vững, dễ tiếp cận và đáng sống hơn.
Trước đó, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tăng gấp đôi kinh phí thích ứng với biến đổi khí hậu, lên ít nhất 40 tỷ USD hàng năm vào năm 2025.
Cụ thể, một đánh giá cập nhật của các chuyên gia cho thấy dòng tài chính công quốc tế chảy đến các nước đang phát triển để chi trả cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu nhỏ hơn 10 - 18 lần so với mức cần thiết. Họ cảnh báo rằng, các nguồn tài chính mới và sáng tạo cần khẩn cấp để lấp đầy khoảng trống khi thảm họa khí hậu gia tăng.
Khoảng cách tài chính được ước tính là từ 194 - 366 tỷ USD/năm, cao hơn 50% so với ước tính trước đây. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) nhận thấy điều này là do nhu cầu ngày càng tăng, đánh giá toàn diện hơn và dòng tài chính công quốc tế giảm 15% vào năm 2021. Sự sụt giảm, xuống còn 21 tỷ USD, xảy ra bất chấp tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của bão, lũ lụt, hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt.
Trong lịch sử, việc thích ứng biến đổi khí hậu được ưu tiên tài chính thấp hơn so với giảm nhẹ, khiến các nước đang phát triển lo ngại.
Theo Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED), nhiều nước đang rơi vào tình trạng nợ nần để chi trả cho việc khắc phục thảm họa. Tài chính thích ứng biến đổi khí hậu ở mức 25,2 tỷ USD vào năm 2020 nhưng giảm xuống còn 21 tỷ USD vào năm 2021. Trong COP26, các chính phủ đã cam kết sẽ tăng gấp đôi từ mức năm 2019 lên 40 tỷ USD vào năm 2025.