Để mở đường cho hàng hóa địa phương, nhiều năm qua Nghệ An đã và đang nỗ lực thiết lập các chương trình hợp tác có điều kiện thuận lợi trong phân phối. Nghệ An cũng được biết đến là thị trường có mức tiêu thụ khá lớn, và là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng.
Nghệ An luôn tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp |
Hiện, Nghệ An có 159 sản phẩm truyền thống và sản phẩm địa phương có thể phát triển thành hàng hoá. Có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, có hơn 150 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, 690 HTX và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại.
Theo Sở Công Thuơng Nghệ An, đến nay thông qua các hội thảo, chương trình kết nối cung - cầu đã có 190 văn bản ký kết, và hình thành được hơn 100 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn. Đây là tiền đề để các bên làm cầu nối cho doanh nghiệp các địa phương liên kết, hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ…, phát triển hệ thống phân phối, phối hợp theo dõi, nắm bắt tình hình nuôi trồng, sản xuất, điều hành cân đối cung - cầu hàng hóa và ổn định giá cả thị trường.
Thời gian tới, Sở Công Thương Nghệ An sẽ tập trung triển khai truy xuất nguồn gốc một số hàng hóa sản phẩm. Phối hợp để hình thành chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN tại các địa phương; lưu thông hàng hóa hiệu quả và có kiểm soát - từ nuôi trồng đến tay người tiêu dùng. Qua đó, đảm bảo phát huy lợi thế từng địa phương, tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Định hướng để phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống ra thị trường, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết: “Sắp tới Nghệ An sẽ tập trung quy hoạch phát triển nguyên liệu, sản phẩm. Từ đó lựa chọn một số sản phẩm phục vụ du lịch. Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xác lập, khai thác và quản lý, phát triển nhãn hiệu, sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từ đó áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất, chế biến đến xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường. Sẽ triển khai các giải pháp quản lý đồng bộ sản phẩm nông nghiệp với phương châm “3 có” gồm: Có nhãn hiệu - quản lý chất lượng - có truy xuất nguồn gốc…”.
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An lần đầu tiên được ký kết chính thức và triển khai thực hiện từ năm 2003. Đến nay, đã có 56 dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào Nghệ An với tổng số vốn đăng ký hơn 34.463 tỷ đồng. Trong đó có 32 dự án với tổng vốn đầu tư trên 22.000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, nộp ngân sách hơn 1.800 tỷ đồng. |