Liên kết vùng trong bối cảnh mới đứng trước những thuận lợi, khó khăn nào?
Tính liên kết vùng chịu ảnh hưởng lớn của bối cảnh mới trong nước
Sự phát triển kinh tế - xã hội cùng với những biến động như thiên tai, dịch bệnh… tạo nên bối cảnh mới trong nước đang tác động đến sự phát triển kinh tế biển trong liên kết của tiểu vùng Nam Trung Bộ (gồm tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Phú Yên, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận) giai đoạn 2021-2030.
Tính kết nối trong hệ thống kết cấu hạ tầng giữa các phương thức vận tải chưa cao đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển và liên kết vùng tiểu vùng Nam Trung Bộ (Ảnh minh họa) |
Chất lượng phát triển nền kinh tế trong nước còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh và hiệu quả còn thấp; nguy cơ tụt hậu về phát triển kinh tế hiện hữu. Các sản phẩm Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị trong sản xuất và phân phối toàn cầu còn nhỏ bé. Tỷ lệ nội địa hoá thấp, xuất khẩu ưu thế thuộc về doanh nghiệp FDI v.v… Hệ thống kết cấu hạ tầng được lựa chọn là khâu đột phá, nhưng tính kết nối giữa các phương thức vận tải chưa cao, vẫn đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển.
Quá trình phân tán nguồn lực theo đơn vị địa lý hành chính (tỉnh/thành phố) đã dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong phân bổ nguồn lực, hình thành cuộc chạy đua xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay…), và một số loại sản phẩm với cơ cấu kinh tế tương tự nhau, xuất hiện tình trạng dư cung trong một số lĩnh vực, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Thông tin mất cân xứng và minh bạch, khiến cho việc tìm hiểu môi trường kinh doanh trở nên khó khăn, gia tăng chi phí tìm hiểu và gia nhập thị trường làm giảm sức cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, liên kết phát triển vùng trở thành xu hướng và là bước đột phá mạnh mẽ nhằm tạo động lực và thu hút các nguồn lực cho hiện thực hóa các mục tiêu phát triển được xác định trong chiến lược và quy hoạch phát triển ở các địa phương, vùng và cả nước. Liên kết vùng để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, cả trong đột phá về thể chế, đột phá về phát triển nhân lực và đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển là rất cấp thiết.
Luật Quy hoạch được ban hành xây dựng quy hoạch tích hợp, đa ngành phù hợp với kinh tế thị trường; chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh không gian trong quản lý phát triển, đặc biệt là tính liên kết về không gian phát triển.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc xung đột, khủng hoảng khu vực và quốc tế; tác động nặng nề từ đại dịch Covid – 19. Điều đòi hỏi các địa phương cần tăng cường sự phối hợp và liên kết hỗ trợ trong các lĩnh vực hỗ trợ phát triển kinh tế.
Ngoài ra, để giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đòi hỏi tính thống nhất và phối hợp, liên kết giữa các địa phương.
Tính quan trọng của liên kết còn thể hiện ở những hành động phối kết hợp liên tỉnh để thực hiện có hiệu quả những phương án vừa phát triển kinh tế biển, vừa bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển.
Đại dịch Covid - 19 đặt ra những thách thức lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các quốc gia, các vùng phải tăng tính liên kết vùng để cùng giải quyết (Ảnh minh họa) |
Bối cảnh quốc tế - đòi hỏi sự liên kết vùng mạnh mẽ
Trong khi đó, bối cảnh quốc tế cũng tác động rất lớn đến liên kết phát triển của các tỉnh.
Sự phát triển kinh tế nhanh kết hợp với quá trình hội nhập sâu rộng đã và đang tạo ra những mạng lưới sản xuất toàn cầu với nhiều dạng thức liên kết khác nhau. Quá trình hội nhập và sức ép ngày càng tăng trong việc cải thiện môi trường đầu tư là những tiền đề quan trọng để các cơ quan địa phương đẩy mạnh quá trình liên kết: xây dựng hạ tầng cơ sở, hình thành vùng sản xuất, chuỗi liên kết ngành hàng… Ngược lại, việc tăng cường liên kết các cơ quan địa phương sẽ giúp thúc đẩy thực thi các vấn đề hội nhập quốc tế có hiệu quả hơn ở từng địa phương.
Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự biến đổi mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, đưa tới sự cải biến các quan niệm địa kinh tế trong phát triển vùng lãnh thổ, đồng thời giúp cải tiến thể chế điều phối vùng.
Xu hướng liên kết trong trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực hay một vùng ở các quốc gia đang đã và đang góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển bền vững vùng lãnh thổ.
Đại dịch Covid-19 và những xung đột giữa các nước, các khối liên minh đang đặt ra những thách thức lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Điều này đòi hỏi các quốc gia, các vùng cần tăng cường sự hợp tác, liên kết để cùng nhau giải quyết các thách thức đặt ra hiện nay.
Xác định liên kết phát triển vùng đang phải đối diện với những bối cảnh mới đan xem giữa những thuận lợi và khó khăn như vậy, tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã cho thấy tính cấp thiết của liên kết phát triển vùng:“Cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chệnh lệch phát triển giữa các vùng, “Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng”. Đặc biệt là nhấn mạnh nguy cơ “Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa…; chưa đảm bảo phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù”.
Trước những thách thức, thuận lợi trong liên kết vùng đòi hỏi các địa phương trong tiểu vùng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có những giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển hiệu quả trong tình hình mới.