Linh hoạt giải pháp bình ổn thị trường phân bón
Không lo thiếu nguồn cung
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện năng lực sản xuất của các nhà máy phân bón trong nước đạt trên 8 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn tại thị trường nội địa. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2021, các nhà máy đã đẩy mạnh công suất nên sản lượng đạt 4,33 triệu tấn phân bón vô cơ các loại. Theo đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu, không lo thiếu hụt nguồn cung.
Các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung phân bón |
Liên quan tới việc nhiều ý kiến cho rằng, xuất hiện tình trạng thiếu phân bón ure, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất - thông tin, hiện năng lực sản xuất phân ure trong nước đạt 2,66 triệu tấn/năm, tiêu thụ khoảng 1,8- 2 triệu tấn/năm. Như vậy, năng lực sản xuất ure hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu từ 500-660 tấn ure/năm. Trung bình từ đầu năm đến nay, sản xuất urê của các nhà máy mới chỉ đạt khoảng 87% công suất thiết kế. “Do vẫn chưa phát huy 100% công suất thiết kế nên các nhà máy sẽ phát huy công suất tối đa, đẩy mạnh sản xuất cung ứng ure ra thị trường cân đối với khả năng tiêu thụ, hạn chế tồn kho, để cung ứng cho thị trường nội địa” - Lãnh đạo Cục Hóa chất khẳng định.
Ưu tiên thị trường nội địa, kiểm soát xuất khẩu phù hợp
Cục Hóa chất lý giải, nguyên nhân giá phân bón tăng thời gian qua là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới trong 6 tháng năm 2021 tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2020. Cụ thể, với 2 nguyên liệu chính là lưu huỳnh và amoniac, hiện giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất đã tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn (tháng 10/2020) tăng lên khoảng 210 USD/tấn và giá amoniac tăng tới 60% (tháng 4/2021).
Để bình ổn thị trường phân bón, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1321/BCT-HC đề nghị các tập đoàn, DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón lớn trên toàn quốc chủ động tăng cường sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường, giảm lượng tồn kho, tiết giảm chi phí sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, kiểm soát hoạt động xuất khẩu phù hợp với tình hình thực tế.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương, các DN sản xuất phân bón đã triển khai rất tốt. Hiện đa số các nhà máy phân bón đã chạy hết công suất, đáp ứng nhu cầu thị trường, thậm chí một nhà máy có thời điểm chạy 105% công suất thiết kế; giảm thời gian sửa chữa để cung ứng nhanh, sớm nhất cho thị trường.
“Về yêu cầu kiểm soát hoạt động xuất khẩu phân bón phù hợp các DN cũng đã thực hiện rất nghiêm. Tại thời điểm này đa số các DN không xuất khẩu phân bón trực tiếp. Điều đó cho thấy, các DN hết sức có trách nhiệm với thị trường phân bón trong nước” - ông Nguyễn Văn Thanh ghi nhận.
Một số DN phân bón cũng cho rằng, chiến lược sản xuất và kinh doanh phân bón phải linh hoạt. Năm 2020 tiêu thụ trong nước khó khăn, DN đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng năm 2021, khi thấy thị trường trong nước sốt giá, các DN đã điều chỉnh kịp thời. Nhiều đơn hàng xuất khẩu hoãn, giãn, thậm chí dừng xuất khẩu, ưu tiên tối đa trong nước.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để theo dõi diễn biến thị trường và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường phù hợp. |